Thưa quý thầy con là một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi trong viện mồ côi từ lúc mới lọt lòng. Lúc còn nhỏ sống trong vòng tay thương yêu của quý cô quý chú trong viện con cảm thấy rất hạnh phúc. Khi con chưa hiểu rõ về nguồn cội của mình thì không có gì.Tuy nhiên, lúc lớn lên biết cảm nhận về số phận của một đứa trẻ mồ côi con thật sự thấy tủi nhục. Những lúc đi học, hay khi tan trường trông bạn bè đồng trang lứa có cha, có mẹ người đưa kẻ đón con cảm thấy buồn cho hoàn cảnh của chính mình. Những lúc như thế trong con lòng căm hận bố mẹ càng dâng cao. Vì sao bố mẹ sinh con ra không có trách nhiệm chăm lo mà bỏ con bơ vơ trong viện ? Xin quý thầy hãy cho con một lời khuyên đúng đắn để con có thể sống tốt hơn với vai trò một đứa trẻ mồ côi không cha mẹ trong hiện tại ?
Nguyễn Thị Thanh Thúy, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam.
* * *
Bạn Thanh Thúy thân mến !
Trong thời gian gần đây, nếu bạn theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì có lẽ không ai xa lạ gì về câu chuyện mà ta ví như cổ tích giữa đời thường kể về cậu bé Hồ Thiện Nhân, bé trai mới sinh được 3 ngày tuổi, bị mẹ bỏ trong vườn tại thôn 3 Tam Thạnh – huyện Núi Thành (Quảng Nam) trong tình trạng bị mất nhiều phần của cơ thể. Nhưng có lẽ niềm khao khát sống rất bản năng đã giúp bé sống sót. Một số phận đớn đau kỳ lạ. Bé đã được các thầy trong chùa đến thăm và đặt tên là Hồ Thiện Nhân, nhưng sau khi có cha mẹ nuôi em được đổi tên thành Phùng Thiện Nhân. Mặc dù bé đã nhận được tấm lòng nhân ái của các cá nhân, tổ chức và hiện tại bé đã có cha mẹ nuôi thương yêu chăm sóc nhưng chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, bé cần được chăm sóc đặc biệt, cần phải thay chân giả thường xuyên theo độ tuổi cho phép, phẫu thuật lại bộ phận sinh dục để sao cho bé có thể tiểu tiện được…
Vâng, nghe qua những thông tin ấy ai trong chúng ta lại không oán trách cho hành động mất nhân tính mà mẹ của bé Nhân đã gây ra. Tuy nhiên, chúng ta đâu ai biết được rằng người mẹ bỏ rơi con ấy chỉ đang độ tuổi học phổ thông, xa nhà đi học để rồi bị một người đàn ông lớn tuổi dụ dỗ bỏ rơi. Mang thai bé trong tình trạng gia đình không cho phép, sinh bé ra trong hoàn cảnh khó khăn. Thử hỏi khi thấu hiểu được như thế, mấy ai lại có thể trách giận mà không có sự đồng cảm yêu thương cho người mẹ trong độ tuổi vị thành niên chưa có nhận thức vững vàng này.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Kẻ Ngu (Bala Sutta), đức Phật có dạy: “Này các Tỷ-kheo, có hai loại kẻ ngu này. Thế nào là hai ? Người mang gánh nặng chưa đến và người mang gánh nặng đã đến. Hai người này, này các Tỷ-kheo, là hai kẻ ngu”. Như vậy, việc trách giận cha mẹ của bạn là không nên, bởi trách giận không bao giờ đưa đến kết quả tốt đẹp cho bạn. Đồng thời khi bạn ôm giữ mối hận thù với ai đó chẳng khác nào bạn chất lên đôi vai của mình một gánh nặng. Liệu những lời trách móc của bạn sẽ giúp cha mẹ bạn tìm về với bạn? Hay bạn sẽ sống cuộc đời thanh thản hơn? Giả sử cuộc sống vô thường đã cướp đi sinh mạng cha mẹ bạn, bạn có nên chăng ôm mối hận thù với người đã về bên kia thế giới ?
Theo một nghiên cứu chung, người ta đã cho thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con ra bỏ rơi có nhiều lý do khác nhau. Một số trường hợp sinh con ngoài giá thú, hay mang thai ngoài ý muốn. Phổ biến nhất là tình trạng sống thử, trẻ vị thành niên bị tập nhiễm những phim ảnh xấu dẫn đến tình trạng sống buông thả. Vượt trội hơn cả tình trạng “góp gạo thổi cơm chung” trong giới công nhân, sinh viên sống xa gia đình, kinh tế còn eo hẹp nên khi lầm lỡ không đủ điều kiện nuôi con dẫn đến tình trạng nạo phá thai, hoặc thai quá lớn chờ sinh ra lại bỏ rơi … Như vậy, có thể nói rằng hầu hết trẻ em mồ côi bị bỏ rơi đều có chung hoàn cảnh cha mẹ gặp nghịch cảnh éo le ngang trái.
Như vậy, theo chúng tôi bạn không nên tiếp tục nuôi dưỡng sự oán hận cha mẹ mình nữa. Bởi biết đâu họ đã qua đời, hay đang sống trong một hoàn cảnh cơ cực hơn bạn. Hay họ đang từng giờ từng phút dõi mắt trông theo bạn ở một góc trời nào đó mà bạn nào hay. Họ rất muốn đón bạn về nhà để nuôi dưỡng, thế nhưng hoàn cảnh kinh tế không cho phép.Vì họ muốn tương lai của bạn sẽ tốt đẹp hơn đời sống trong hiện tại đầy khó khăn của họ.
Tóm lại, bạn hãy tập suy nghĩ tích cực về cha mẹ của mình. Thầm biết ơn đến cha mẹ mình, dù cha mẹ bạn không nuôi dưỡng bạn nhưng họ đã cho bạn một thân hình cốt nhục từ tinh cha huyết mẹ, và trên hết họ đã trải qua những tháng ngày cưu mang bạn gian khổ. Đừng để mình trở thành một người xấu hay một người không phải chân nhân bạn nhé. Bởi trong Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Đất ( Katannu Suttas) đức Phật từng xác định rằng : “Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân ? Người không phải Chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn.”
- Truyện ngụ ngôn “Bốn con rắn”
- Háo hức, phấn khởi trong Công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản chùa Cổ Am 2023
- Buổi trò chuyện cùng Ban Cán sự Công ty Cổ Phần Việt Nhân Nghệ An – Chủ Đề: “Rèn Luyện Nội Lực Trước Khó Khăn” | CHÙA PHÚC LẠC
- KHÓA TU XUẤT GIA GIEO DUYÊN – CHÙA CỔ AM
- CHÙA CỔ AM: ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2022