Khi biết đến Phật pháp, tôi mới nhận ra cái ngã mạn của tâm mình rất lớn. Cả ngày, tôi chỉ vùi đầu vào học đến 1-2 giờ sáng mới chợp mắt, mới 5 giờ sáng chuông đồng hồ đã reo vang inh ỏi. Do tham, si, lúc nào cũng muốn hơn người, tôi học càng nhiều và càng khao khát những gì bỏ ra phải được đền bù xứng đáng. Đó là sai lầm thứ nhất của tôi.
Chẳng biết từ khi nào mỗi lần tâm bấn loạn, tôi lại nhất tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà? Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, mẹ là giáo viên cấp II, ba là giáo viên dạy toán cấp III, tôi thừa hưởng yếu tố di truyền từ cả ba lẫn mẹ. Mặc dù, gia đình không khá giả lắm nhưng từ nhỏ tôi đã được tạo điều kiện để học tập. Lên cấp III, trải qua cuộc thi chuyển cấp, tôi may mắn vượt qua nhiều người để trở thành một trong những học sinh giỏi nhất của lớp chuyên ban tự nhiên. Là học sinh lớp chuyên nên tôi nhận được nguồn tri thức dồi dào và tiến bộ từ đội ngũ giáo viên nhà trường. Toán nâng cao, vật lý nâng cao, hóa nâng cao và sinh học cũng nâng cao. Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, vì gia đình không đủ điều kiện phải học trường làng, tất cả các môn các bạn đều học cơ bản. Đó là một trong những nguyên do dẫn đến những suy nghĩ sai lầm của tôi sau này.
Qua hai năm học xa nhà, ở trọ với bao lo toan trong việc học hành, ăn ở. Năm lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi đại học quan trọng sắp tới, tôi xin chuyển về trường gần nhà để nhận được sự chăm sóc chu đáo từ gia đình. Bước vào môi trường mới, tôi mang trong tâm và trí một suy nghĩ ấu trĩ “Mình đã từng học trường giỏi hơn, gia đình đủ điều kiện hơn nên mình phải thi đậu đại học điểm cao hơn…”. Cứ ngỡ rằng, suy nghĩ ấy sẽ thôi thúc ý chí quyết tâm ham học của tôi. Và sự thật, thời gian đầu, tôi đã lao mình vào vòng xoáy của việc học tập. Khi ấy, tôi học chỉ để kiếm điểm cao hơn mọi người, để ganh đua và chứng tỏ ta đây là dân chuyên toán, lý, hóa.
Khi biết đến Phật pháp, tôi mới nhận ra cái ngã mạn của tâm mình rất lớn. Cả ngày, tôi chỉ vùi đầu vào học đến 1-2 giờ sáng mới chợp  mắt, mới 5 giờ sáng chuông đồng hồ đã reo vang inh ỏi. Do tham, si, lúc nào cũng muốn hơn người, tôi học càng nhiều và càng khao khát những gì bỏ ra phải được đền bù xứng đáng. Đó là sai lầm thứ nhất của tôi.
Tôi là cô bé hơi tròn trịa, học nhiều nhưng dáng vóc chẳng ốm hơn bao nhiêu. Sự chấp vào thân giả tạm khiến tôi cố nhịn ăn để trở thành mẫu người lý tưởng “vừa học giỏi, vừa xinh đẹp”. Đó là sai lầm thứ hai của tôi. Thấy con học nhiều mà ăn ít, ba mẹ tôi rất đau lòng. Nhưng sự u mê của tâm hồn, đánh mất lí trí đã che mờ mắt tôi. Cứ khăng khăng làm điều mình muốn, vẫn thức khuya, dậy sớm học toán, lý, hóa, tôi tự cho mình là hơn người.
Nhưng chuyện đời vô thường, đâu dễ cầu gì được nấy. Do học quá sức và ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, càng ngày tôi càng mệt mỏi. Thời gian nộp hồ sơ thi đại học đã đến, tâm tôi bắt đầu bấn loạn, tôi không còn hào hứng như ban đầu. Học nhiều nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Mỗi lần thua bạn bè, tôi dằn vặt, đau khổ và căm ghét chính bản thân. Sự so sánh hơn thua cứ tái diễn trong đầu tôi. Tôi cảm thấy bất an cho tương lai. Tôi bắt đầu sợ thi cử, sợ thi đại học. Nỗi lo sợ như căn bệnh truyền nhiễm, đã lây lan sang những người thân trong gia đình. Ba mẹ buồn và khuyên tôi nên lấy lại tinh thần. Ba mẹ chỉ mong tôi có thể đậu đại học kinh tế – một trường vừa sức và tầm với không quá cao để tôi không bị gò ép về tinh thần. Không hiểu sao, càng học tôi càng mệt mỏi, càng quyết tâm qua mặt bạn bè thì chính tôi lại là người đứng sau họ. Nỗi lo sợ lấn chiếm tâm hồn tôi. Tôi rơi vào trạng thái mông lung, không biết đâu là chốn dừng chân cho cuộc sống của mình. Giá như, Phật pháp đến với tôi sớm hơn! Giá như, tôi được biết đến chùa Hoằng Pháp! Và một lần được gặp các thầy để nghe những lời dạy bảo thân thương bên tai! Nhưng đó vẫn chỉ là… giá như!
Cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Tôi quyết định học thêm toán đại trà do chính ba tôi dạy ở nhà. Ngày hôm đó là ngày quyết định cho chuỗi ngày dài của tôi sau này. Một đề toán thi thử đại học, tôi quyết tâm giải nhanh, giải đúng để xứng đáng là con nhà toán. 3 phút… 5 phút trôi qua, một thằng bạn trong lớp đưa ra kết quả đúng. Tôi cảm thấy bực mình, tay chân cuống quýt. 6 phút… 7 phút nữa trôi qua, tôi đưa ra kết quả… sai! Tâm ghen tức, ganh tị trong tôi trỗi dậy, tôi không muốn thua, tôi muốn là người thắng cuộc. Buổi học kết thúc trong sự nặng nề và bực dọc. Học xong tôi chạy thẳng vào phòng, quơ tay, quơ chân đạp vào tường, khóc tức tưởi. Ba mẹ thấy cảnh tượng đó, ngạc nhiên và xót xa nhưng kiên quyết bảo “Với tính cách hơn thua ấy, sau này con sẽ dễ dàng thất bại!”. Thất bại ư? Tôi dằn vặt mình và tự nhủ “Được thôi! Cuộc sống này không chấp chứa tôi, không cho tôi là người thắng cuộc thì tôi sẽ đi… tu!”. Một phút suy nghĩ bồng bột!
Sáng ngày hôm sau, tôi đến trường với bộ mặt nặng nề, gặp chuyện không vui. Trưa về nhà không ăn uống, ba mẹ buồn rầu cũng không thèm hỏi han, quan tâm. Đúng chiều ngày hôm đó, tôi xách đồ ra đi với lá thư từ biệt để trên bàn. Không hiểu vì cớ gì, nhân duyên gì, từ khi bước chân ra khỏi nhà, tâm tôi đã hướng về cửa Phật. Đi xe buýt trên con đường hai năm trước mình từng đi học xa nhà, tôi chọn tịnh xá Ngọc Định làm nơi trú chân cho mình qua giai đoạn tâm trạng đau khổ này. May thay! Các Ni ở tịnh xá mở lòng từ bi, thương tình chấp chứa đứa con bỏ nhà ra đi. Ở đó, được làm công quả, được ăn chay niệm Phật, tâm tôi dần tĩnh lặng, trải lòng mình để tiếp nhận ánh sáng Phật pháp vi diệu!
Được sống tĩnh lặng là như thế nhưng tôi nào biết ba mẹ, người thân đau khổ khi biết tin tôi bỏ ra đi! Họ sợ tôi làm điều dại dột! Mẹ tôi khóc ngày, khóc đêm, ba tôi xách xe chạy khắp các nẻo đường tìm tôi, em tôi khóc đỏ mắt phải nghỉ học. Ai thấy cảnh tượng ấy mà không xót xa, đau lòng?
Tôi ở tịnh xá một ngày, hai ngày rồi ba ngày, các Ni khuyên tôi về nhà kẻo gây tội bất hiếu với ba mẹ. Gọi điện về nhà, nghe giọng tôi mà mẹ thổn thức, nghẹn ngào. Tôi cũng khóc và quyết định quay về chốn thân thương thưở nào. Ba mẹ ôm chầm tôi khóc nức nở. Tôi hối hận và hổ thẹn vô cùng khi bỏ ba mẹ mà đi trong sự cay đắng và hờn giận. Còn ba mẹ lại mở rộng “vòng tay yêu thương” mà không hề oán giận tôi một lời.
Ngày thi đại học gần kề, tôi nộp hồ sơ thi đại học kiến trúc, khối H (Văn, Vẽ, Vẽ) – một trường trái hẳn với năng lực và sở trường của tôi. Đơn giản vì không muốn mọi người nhìn thấy sự thất bại với chuyên môn của mình. Tôi trở thành người “độc nhất, vô nhị” khi chọn thi khối năng khiếu. Tâm hơn thua của tôi vẫn chưa bỏ. Tôi sợ, tôi sợ thi khối tự nhiên thấp điểm hơn bạn bè, sẽ bị cười chê. Ba mẹ một lần nữa lại đau lòng trước quyết định của tôi. Nhưng, họ không cản trở hay la mắng tôi nữa. Kỳ thi đến nơi, tôi đã rớt đại học trong khi bạn bè thi đậu trường này, trường kia. Tôi oán trời, trách đất! Tôi oán hận, tại sao tôi lại sinh ra trên cõi đời này để nhận lấy sự thất bại? Thất bại trong tủi nhục và đau đớn.
Chuỗi ngày dài sau khi biết tin rớt đại học, tưởng chừng như tôi đang sống giữa địa ngục trần gian. (Mọi lời bàn ra, tán vào như mũi kim đâm sâu vào tim tôi. Chỉ vì tôi là con giáo viên dạy toán cấp III. Nào đồng nghiệp, nào học sinh của ba nhìn vào mà chỉ trích – Tôi tưởng tượng như vậy và nhận đau khổ về mình!) Nhìn nỗi buồn hằn trên khuôn mặt người thân mà tôi như muốn chết đi, sống lại. Nhưng cuối cùng, tôi cũng quyết định thi lại. Thật may mắn, trong thời gian này, tôi được xem đĩa Phật pháp nhiệm màu do cô Nguyễn Hướng Dương trình bày. Cuộc đời cô gặp nhiều trở ngại, cay đắng hơn tôi. Cô chỉ ra đâu là được và mất, đạo lý nhân quả của nhà Phật mà bản thân cô cũng từng là nạn nhân của nghiệp báo ứng hiện đời. Tôi cũng tình cờ được xem các đĩa chương trình Ánh sáng Phật pháp do quý thầy chùa Hoằng Pháp thuyết giảng. Tôi từ từ ngộ ra chân lý vi diệu của Phật pháp, bỏ tâm sân si, ganh ghét, đố kị, xem nhẹ cái thân giả tạm này. Khi học theo đạo lý Phật dạy cuộc đời là vô thường, tôi không còn đau khổ, hiểu được luật nhân quả báo ứng, “đâu biết chừng quả mà tôi gặt hôm nay là nhân tôi gieo ngày trước!”. Tôi còn mừng rỡ mà đón nhận sự thất bại trong thi cử, bởi một lần trượt nhưng tôi còn có cơ hội làm lại cuộc đời vững chãi hơn. Giả như không rớt đại học mà chịu đau khổ do mất người thân liệu tôi có còn cơ hội để đáp đền công ơn sinh thành của bậc phụ mẫu. Cảm ơn lưới trời lồng lộng đã cho tôi cơ hội để nhìn lại cuộc đời mình. Hơn thế nữa, tôi đã học được ở quý thầy sự bình tĩnh khi giải quyết một vấn đề. Và thật sự thành kính tri ân Ngài – đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhờ ánh hào quang của Ngài soi sáng mà ngày nay con đã tìm thấy niềm vui trong ngôi trường mới – Đại học Ngân Hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *