Sáng 15/10/2022 ( Nhằm ngày 20/9/ Nhâm Dần ), Trong đại hùng bảo điện uy nghiêm, chư Tăng chùa Cổ Am đã tác Pháp làm lễ hằng thuận của Chú rể Hoàng Huỳnh Đức ( pháp danh Tịnh Đức ) sánh duyên cùng cô dâu Trần Thị Hiếu ( pháp danh Hương Thảo ).  
 
ĐĐ. Trụ trì Thích Tâm Thành và chư Tôn đức trong Tăng đoàn Chùa Cổ Am đã quang lâm và chứng minh cho buổi lễ. Sau khi đảnh lễ Tam bảo xong Đại đức Thích Quảng Thiện trí đã hướng dẫn tân lang và tân nương tuyên đọc bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, đó là: cam kết sống tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa gia đình và đất nước; sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, nâng đỡ nhau; luôn luôn tôn trọng và hài hòa với nhau; hướng dẫn con cháu là Phật tử từ nhỏ, dồn hết tâm lực và phương tiện, xây dựng hạnh phúc cho con cháu. Đây là lời cam kết về lối sống thủy chung, sắt son, trách nhiệm lẫn nghĩa tình mà cô dâu, chú rể trao gửi cho nhau trên bước đường dựng xây mái ấm hạnh phúc, êm đềm.
 
Sau đó, ĐĐ. Trụ Trì đã giải thích ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới cho đôi trẻ hiểu thêm về tín vật định tình thiêng liêng này. Người ta cho rằng chiếc nhẫn khi đeo vào ngón áp út sẽ giúp kết nối tình yêu thương của hai trái tim chung thủy, bởi có một mạch máu chạy thẳng từ ngón tay ấy đến trái tim. “Nhẫn” trong chữ Hán là sự kết hợp từ chữ “đao” và chữ “tâm”; nghĩa rằng lấy tấm lòng chân thật để hóa giải những sự tổn thương nhau, đó là hàm ý của nhẫn. Đeo nhẫn vào tay để nhắc nhở vợ chồng sống bên nhau phải nhẫn nhịn, hòa hợp, không nên lời qua tiếng lại hay gây hấn, hãm hại nhau từ suy nghĩ, lời nói đến hành động. Chiếc nhẫn được đúc thành hình tròn để biểu trưng cho thông điệp rằng hãy yêu thương, quý trọng, gắn kết khắng khít với nhau xuyên suốt, lâu dài như không hề có sự gián đoạn, kết thúc giống một vòng tròn hoàn hảo. Nhẫn được làm bằng vàng, một kim loại quý giá, điều đó giúp đôi trẻ khắc ghi tâm niệm hãy tôn trọng, cư xử và giữ gìn, chăm sóc cho nhau như những người mình quý giá nhất trên đời. Và những khó khăn, cám dỗ, gian lao của cuộc đời cũng giống như lửa cháy hừng hực để thử tình-yêu-vàng của hai vợ chồng.
 
Và rồi trong giây phút thiêng liêng, lắng đọng của khoảnh khắc trao nhẫn cưới, tân lang và tân nương đã đeo nhẫn cho nhau, cùng nói lên lời yêu thương với đối phương, chính thức trở thành phu phụ, sống chung dưới một mái nhà. Sau khi Tăng đoàn trao tặng quà và giấy chứng nhận hôn nhân cho đôi trẻ, đại diện của cha mẹ hai bên đã có đôi lời dặn dò hai con trên bước đường đắp xây hạnh phúc hôn nhân.

 
ĐĐ. Trụ trì Thích Tâm Thành và chư Tôn đức trong Tăng đoàn Chùa đã quang lâm và chứng minh cho buổi lễ.. Trong kinh, đức Phật đã dạy rằng một người chồng lý tưởng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận: một là lấy lễ đối đãi với vợ, hai là chuẩn mực nhưng không hà khắc, ba là tùy thời cung cấp y, thực, bốn là tùy thời tặng trang sức đẹp, năm là cùng vợ làm tốt việc nhà. Tương tự như thế, một người vợ mẫu mực phải đối đãi chồng với năm bổn phận: một là siêng năng, thức dậy trước chồng; hai là nể chồng, trước, sau, trong, ngoài; ba là dùng lời hòa nhã, xây dựng; bốn là nhún nhường, ủng hộ điều hay; năm là hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ. Năm bổn phận đối đãi nhau giữa vợ và chồng nhằm giúp cho cả hai biết cách giao tiếp, truyền thông và cư xử chuẩn mực, thuận hòa khi chung sống với nhau lâu dài.
 
Hình ảnh ghi nhận :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *