“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc Mẫu. Hắc Tỳ-kheo, con bà Lộc Mẫu, thường ưa tranh cãi, đi đến chỗ Phật. Thế Tôn thấy Hắc Tỳ-kheo từ xa đi lại, nhân vì có Hắc Tỳ-kheo nên Ngài nói với các Tỳ-kheo:
– Hoặc có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn…”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Uế, kinh Hắc Tỳ-kheo, số 94 [trích])
Hắc Tỳ-kheo (Kālaka Bhikkhu) là người tu đã khá lâu mà còn nặng tập khí tranh cãi. Dĩ nhiên biện giải về giáo pháp hay kinh nghiệm tu hành cũng cần thiết trong vài trường hợp nhưng tranh cãi thì không nên. Bởi bản chất của tranh cãi thường dựa trên chấp thủ tự ngã và xuất phát từ tâm bất mãn, sân giận.
Trong đại chúng nếu có người ưa cự cãi thì thật phiền. Đức Phật nhiều lần sử dụng cụm từ “họ đấu tranh nhau bằng binh khí miệng lưỡi” để hình dung những lời hung ác, các tiếng khó nghe khi cãi vã lẫn nhau cũng chan chát và tóe lửa như gươm giáo chạm nhau. Sự lời qua tiếng lại, tranh cãi đôi co không dứt cứ tưởng chỉ có ở chợ đời, nào ngờ trong các hội chúng tu hành cũng không phải là hiếm.
Khi gặp những điều chưa hiểu hay bất đồng thì người tu cần phải giải trình với ngôn từ nhẹ nhàng, tâm từ ái để sẻ chia, tìm ra tiếng nói chung trong sự hòa hợp. Pháp và Luật là thước đo căn bản, là chuẩn mực để minh định phải trái, đúng sai. Thành ra, mỗi người tu cần hiểu biết cơ bản về Pháp và Luật để an trú trong Chánh pháp.
Tranh cãi thì tâm bất an, nếu sân giận xuất hiện thì hỷ lạc vắng mặt. “Người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ”. Ái niệm là nghĩ đến nhau với tâm yêu thương và kính trọng, sau khi cãi nhau mà có ái niệm cũng là điều khó. Trong việc tu tập thì dư âm của tranh cãi là loạn động không thể nhiếp tâm, an trú tâm vào đề mục. Sau mỗi lần tranh cãi, thua thì tức giận, thắng thì hả hê thành ra không “nhiếp trì” được tâm.
Quan trọng hơn, ưa tranh cãi thì không xứng đáng là Sa-môn Thích tử. Sa-môn chuẩn mực, xứng đáng thì phải thanh tịnh và lục hòa. Những hội chúng ồn ào, náo nhiệt, ưa tranh cãi, hành vi thô tháo thường được Thế Tôn gọi là Bà-la-môn. Hạnh nghi, ứng xử, ăn nói của người tu luôn nhẹ nhàng, hợp oai nghi, đúng giới luật. Người ưa tranh cãi, gây bất hòa thì chẳng những không xứng đáng mà còn gây tổn thương đạo pháp, bất an cho đại chúng, khiến mọi người phải lánh xa.
Như đã đề cập, người ưa tranh cãi sẽ rất khó tu cũng như rất khó có thể hòa hợp với đại chúng. Một đời sống bình yên, thương kính, hòa ái để sống chung an lạc mà chưa thiết lập được thì làm sao người ưa cãi cọ, tranh đấu có thể kỳ vọng chứng đắc các bậc thiền, khai mở tuệ giác để thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
- Mẹ ngồi niệm Phật
- CHÙA CỔ AM : Hành Hương, Du Xuân lễ Phật các ngôi chùa địa bàn tỉnh Nghệ An – Xuân Quý Mão 2023
- Ba điểm trọng yếu của đường tu căn bản đến giác ngộ
- Thành kính cung tiễn Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPG Việt Nam ra sân bay về tại Tp. Hồ Chí Minh
- Vườn kinh đá độc nhất Việt Nam nằm trong ngôi chùa cổ ở miền Tây