Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni!

Kính thưa toàn thể quý Phật tử!

Hàng năm cứ vào mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt đầu nở.  Hoa sen nở báo hiệu mùa Phật Đản trở về như để đón mừng Đức Thế Tôn ra đời. Trong niềm hân hoan tột cùng ấy, hôm nay hàng tứ chúng chùa Cổ Am chúng con trang nghiêm thiết lễ, kính dâng lên đức từ phụ, cung kính mừng kỉ niệm ngày đản sinh của Ngài.

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng con xin được dâng lên Ngài những đóa hoa sen thơm ngát tưởng nhớ về Ngài với lòng tri ân sâu sắc nhất.

Xin kính mời toàn thể đại chúng cùng ôn lại cuộc đời của đức Phật từ lúc đản sinh, xuất gia, thành đạo, hoằng pháp và đến ngày viên mãn.

 Kính thưa toàn thể đại chúng!

Ngược dòng lịch sử vào hơn 2566 năm về trước, tiền thân của Đức Phật Thích Ca là Bồ-tát Hộ Minh – Thiên chủ cung trời Đâu Suất, đã quyết định giáng sinh xuống cõi Ta bà, “chẳng phải vì tiền tài và thú vui năm dục ở thế gian” mà “thọ sinh một đời này ở nhân gian, chỉ vì thương xót chúng sinh khổ não mà đem lại sự an vui cho họ”. – (trích Kinh Phật Bản Hạnh Tập – Quyển 6 – Phẩm 4 – Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ. Xem: Đại Tập 12 – Bộ Bản Duyên III (Số 186 – 190))

Sau khi quán sát nhân duyên đầy đủ, Bồ tát Hộ Minh đã quyết định đản sinh vào dòng tộc Thích Ca – dòng tộc nhiều đời nhiều kiếp thanh tịnh, đời đời làm Chuyển luân Thánh vương tại nước Ấn Độ (mà bây giờ là nước Nepal) và làm con của vị vua anh minh tên là Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da – một người có lòng nhân hậu và phẩm hạnh hơn người.

 Vào một đêm nọ, Hoàng hậu Ma Da trong lúc ngủ đã có một giấc mơ tuyệt diệu. Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo nguồn ánh sáng này là một con voi chiến, thân hình trắng xóa với sáu chiếc ngà, bay xuống và nhập vào thân bà. Lúc ấy, Hoàng hậu tỉnh dậy với một niềm hoan hỷ tràn đầy, chưa từng có trước đây.

Hoàng Hậu vội vàng đến thuật lại cho vua Tịnh Phạn. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng Hậu sẽ sinh một bé trai và thái tử sau này sẽ trở thành một vĩ nhân, không chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng hoàng tộc mà còn đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại”.

Nghe xong, vua và hoàng hậu vui mừng khôn xiết vì từ lâu đã ao ước có một người con trai để nối ngôi. Hạnh phúc ngập tràn khi chẳng bao lâu sau, hoàng hậu Ma-da đã thụ thai.

Theo phong tục Ấn Độ thời đó, người đàn bà khi sinh nở phải về nhà cha mẹ ruột của mình. Trên đường trở về gần đến quê hương không xa, hoàng hậu trở dạ. Đó là một buổi sáng ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên, mây trời vần vũ, chim hót líu lo, muôn hoa đua nở, trong lúc dừng chân nghỉ ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, một khu vườn xinh đẹp thuộc thành Ca-tì-la-vệ, Hoàng hậu đã hạ sinh Thái tử.

Khi ra khỏi lòng mẹ, Thái tử oai nghiêm như một Pháp sư đang bước xuống Pháp tòa, sáng chói như một viên hồng ngọc, thanh tịnh, không dính một chất dơ nào từ lòng người mẹ, chân Thái tử không chạm đất, có bốn Thiên tử đỡ (rồi chuyển qua tay con người), đặt Thái tử trước Hoàng hậu và thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu vừa sanh một vĩ nhân”. Từ hư không có một dòng nước ấm và một dòng nước mát tắm gội cho Thái Tử và Hoàng hậu. Thái tử đứng vững chân, mặt hướng về phương Bắc, bước đi bảy bước có bảy đóa sen đỡ chân , một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, vừa trầm hùng như tiếng Ngưu vương, rằng:

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Vô lượng sinh tử

Ư kim tận hỷ

Nghĩa là: “Ta là bậc Tối thượng ở đời. Ta là bậc Tôn kính ở đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn sanh lại nữa”.

Sau khi trở về cung điện, Đức Vua và Hoàng hậu vô cùng vui mừng tổ chức yến tiệc để chào mừng sự ra đời của Thái tử. Nhà vua còn cho mời tất cả các vị tiên tri trong thành tới dự và xem tướng cho con trai. Trong số ấy có một vị đạo sĩ tên là A Tư Đà lúc đó đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi đến cung vua để chào mừng và xem tướng cho Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ A Tư Đà bỗng nhiên chắp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tiên đoán, tương lai Thái tử sẽ trở thành một vị chuyển luân thánh vương vĩ đại nhất trong lịch sử; nhưng nếu Thái tử không lên ngôi vua, Người sẽ trở thành bậc đạo sĩ giác ngộ toàn năng cứu vớt muôn loài.

Nghe xong, vua Tịnh Phạn sung sướng đứng ôm con trong lòng, để mặc cho những dòng suy nghĩ, những giấc mơ đẹp về đứa con sau này sẽ trở thành vĩ nhân cứ hiện về trong đầu óc của ông.

Sau khi sinh Thái tử được bảy ngày thì hoàng hậu Ma-da từ trần. Trước khi qua đời, hoàng hậu đã dặn dò người em gái của mình là Ma-ha Ba-xà-ba-đề hãy chăm sóc Thái tử và người em nhận lời. Bà hứa sẽ thương yêu thái tử và chăm sóc cháu như là con của mình.

Thái tử lớn lên trở thành một cậu trai khôi ngô, tuấn tú và nhân từ. Nhà vua đã sắp xếp cho thái tử được học với những vị thầy danh tiếng nhất vương quốc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Thái tử đã lĩnh hội được hết những kiến thức uyên bác nhất của các vị danh sư.

Thế nhưng, thái tử còn có một điều khác nổi bật hơn cả sự thông minh của cậu, đó chính là lòng nhân ái, sự tử tế, lịch thiệp và tình yêu thiên nhiên. Thái tử thích trầm tư một mình và làm bạn với các loài vật trong vườn hơn là học cách cai trị một đất nước để trở thành một vị vua vĩ đại. Nhận thấy điều đó, đức vua vô cùng lo lắng, một ngày kia thái tử sẽ từ bỏ hoàng cung, sống đời ẩn sĩ như lời của đạo sĩ A-tư-đà tiên đoán.

Năm thái tử tròn 17 tuổi, nhà vua đã cưới công chúa Gia-du-đà-la cho thái tử và xây ba cung điện nguy nga tráng lệ nhằm giữ chân thái tử; một tòa cung điện sống trong mùa hè, một tòa cung điện sống trong mùa mưa và một tòa cung điện sống trong mùa đông với kẻ hầu người hạ và mỹ nữ ngày đêm ca hát, cảnh vật trong các cung điện đẹp tựa thiên đường. Với bức tường thành kiên cố bao xung quanh, các cung điện được ngăn cách với thế giới bên ngoài, mọi sự việc diễn ra trong các cung điện tuyệt đối không có sự hiện diện của khổ đau, bệnh tật. Với những biện pháp này, nhà vua muốn thái tử không bao giờ thấy biết được những điều bất hạnh của cuộc sống hiện thực.

Một lần, Thái tử xin vua cha cho phép được dạo chơi ngoài thành, do nghĩ lúc này Thái tử đã có vợ đẹp, con khôn, thêm đời sống gia đình hạnh phúc cùng quyền lực ngai vàng, cho rằng đã đến lúc để thái tử được thấy thực tế vương quốc mà thái tử sẽ cai trị sau này, nên nhà vua đồng ý.

Vì là lần đầu tiên trong đời được ra khỏi cung điện của mình nên thái tử vô cùng háo hức. Song, trái lại với sự mong chờ đó, chuyến du ngoạn nhanh chóng kết thúc trong sự buồn rầu của thái tử. Trở về cung, Thái tử ngày càng chìm sâu trong những suy tư về cuộc đời. Những cảnh tượng mà chàng đã thấy được tại 4 hướng cổng thành cứ hiện lên rõ mồn một trong tâm tưởng. Đó là hình ảnh một cụ già lưng còng, vẻ mặt buồn rầu; một người bệnh đang ho dữ dội đến run cả thân thể và rên rỉ thảm thương; một đoàn người u sầu đang khiêng một chiếc quan tài người chết; và hình ảnh một tu sĩ tay ôm bình bát, tướng mạo rất đoan chính, oai nghi và khả kính.

Tất cả những cảnh tượng trên đã làm cho tâm tư của thái tử dao động đến cực độ. Hàng ngàn câu hỏi tại sao cứ hiện lên trong tâm trí, đâu mới là hạnh phúc chân thật của cuộc đời? Cung điện nguy nga, vợ đẹp con xinh, quyền uy danh vọng – sao lòng chàng vẫn nặng trĩu nỗi băn khoăn?

Thái tử đem suy tư của mình đi hỏi vua cha và tất cả những vị đạo sĩ uyên bác nhất trong thành 4 câu hỏi:

Một là: làm sao cho con trẻ mãi không già? Hai là: làm sao cho con khỏe mãi không bệnh? Ba là: làm sao cho con sống mãi không chết? Và bốn là: làm sao cho con hết khổ đau?

Không ai giải thích nổi, không ai cho Ngài một câu trả lời. Sau cùng, hình ảnh và lời nói của vị tu sĩ mà Thái Tử đã gặp ngoài thành là một xúc tác cuối cùng thúc đẩy Thái tử quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc và vợ đẹp con khôn để ra đi tìm cho được phương án thoát khỏi Sinh, Già, Bệnh, Chết này hầu tự cứu mình và cứu tất cả chúng sanh.

Trước khi ra đi, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa Da-du-đà-la và người con trai đang ngủ say. Thái tử hé cửa nhìn vào, lòng Ngài xót xa cho người vợ trẻ và đứa con trai còn nhỏ dại của mình. Nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn.

Vào đêm tối ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử cùng người hầu Xa Nặc cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia.

Thái tử ra đi là Ngài chấp nhận từ bỏ tất cả. Ngài đã để lại phụ vương, ngai vàng, vợ đẹp con xinh và cuộc sống hạnh phúc của một hoàng tử. Sự hy sinh của Ngài không phải là sự từ bỏ của một người già, đau ốm hay của một người nghèo khó, bệnh tật đã ngán ngẩm cuộc đời, mà đây chính là sự hy sinh từ bỏ của một vị hoàng tử đang tuổi thanh xuân và đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của nhân loại.

“Trời tối nhân gian mờ mịt quá, Giờ này Thái tử định đi đâu?

-Bởi vì trời tối nên ta phải đi để tìm ra ánh nhiệm mầu!”

Kể từ đây, thái tử bắt đầu con đường tìm cầu chân lý chấm dứt khổ đau. Đầu tiên Thái tử đã đi tìm tất cả các vị đạo sĩ nổi danh ở khắp nơi để tìm cầu học đạo. Tới đâu, Thái tử cũng theo học tất cả các pháp môn của từng giáo phái và đều chứng được quả vị cao nhất, trong đó có 2 vị đạo sĩ nổi danh nhất thời bấy giờ là A-la-lam và Uất-đầu-lam-phất đã mời Thái tử ở lại và lãnh đạo đồ chúng. Tuy vậy Thái tử nhận thấy những học thuyết này không phải là con đường chấm dứt khổ đau nên Ngài lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chân lý thoát khổ.

Vượt qua con sông gần đất thánh Gaya, tới một khu rừng của bờ bên kia, Ngài đã gặp một nhóm 5 người là anh em ông Kiều Trần Như đang tu khổ hạnh vì tin rằng nếu có thể chịu đựng được sự đau khổ của thân xác thì sẽ tìm ra phương pháp làm chủ khổ đau. Cho rằng có lẽ những vị này nói đúng nên Ngài bắt đầu thực hành khổ hạnh.

Mỗi ngày chỉ ăn vài hạt mè và chỉ uống 1 đến 2 giọt nước sương, trải qua 6 năm với những ngày tự hành xác khổ hạnh nhất, thân thể của Ngài chỉ còn da bọc xương, trong lúc nằm thoi thóp trong rừng sâu, nhờ một nhân duyên Ngài đã ngộ ra được rằng, việc khổ hạnh thái quá khiến thân xác rã rời mệt mỏi, tinh thần u mê, không thể giúp Ngài chứng ngộ mà còn khiến Ngài sức cùng lực kiệt.

Ngài nhớ lại nhiều năm về trước, sau khi thấy người chết, Ngài đã thiền định và lúc đó tâm trí đã rất thanh tịnh có thể nhận định sự vật một cách rõ ràng. Và Ngài muốn cố gắng tập trung ý chí như vậy một lần nữa xem sao.

Ngài trở về con đường tu Trung Đạo, tức là không hưởng thụ quá cũng không ép xác quá.

Ngài bước xuống sông Ni-liên-thiền tắm rửa và thọ bát sữa của nàng Su-già-ta, sau đó ngồi xếp bằng dưới gốc cây Bồ-đề và phát đại nguyện: “Nếu ta không đạt được đạo quả, cho dù phải bỏ mạng tại đây, ta cũng không rời khỏi nơi này!”.

Sau 49 ngày tư duy thiền định dưới cội Bồ-đề, Ngài đã chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, nghi, mạn…và chiến đấu với giặc Thiên Ma do Ma Vương Ba Tuần chỉ huy.

Trong đêm thứ 49, vào Canh một: Đức Phật chứng Túc Mệnh Minh – thấy được quá khứ của mình. Canh hai: Ngài chứng Thiên Nhãn Minh – thấy được tương quan nhân quả, nghiệp báo của chúng sinh. Canh ba: Ngài chứng Lậu Tận Minh – diệt trừ tất cả những phiền não trói buộc và chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lấy hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch. Lúc ấy Ngài vừa tròn 30 tuổi.

Sau khi tìm được ánh đạo vàng cho mình, Ngài nhận thấy rằng chúng sinh vẫn còn nhiều đau khổ và kể từ đó bánh xe pháp được luân chuyển, đức Phật đã quay trở lại hóa độ cho 5 anh em Kiều-Trần-Như, cho gia đình Ngài, hóa độ cho các vị giáo chủ thời bấy giờ, độ cho các bậc vua chúa, các tầng lớp quý tộc, thương nhân, cho giới trí thức và cả tầng lớp nông dân, nô lệ và cho hết thảy muôn loài.

Trong suốt thời kỳ thuyết pháp độ sanh, Ngài có đủ muôn vàn phương tiện tùy duyên hóa độ cho mọi người, mọi vật, mọi hoàn cảnh mà Ngài đã gặp trên đường truyền đạo của mình.

Hơn hết cả, giáo pháp của Ngài không phân biệt người giàu người nghèo, nô lệ hay quý tộc, dẫu là những người đã từng phạm tội, Ngài cũng coi tất cả đều bình đẳng như nhau. Họ – những con người từ đủ các thành phần trong xã hội – dẫu cho không được xã hội thời bấy giờ công nhận, nhưng, giáo pháp của Ngài công nhận họ, tôn trọng họ, trân quý họ! Với Ngài:  “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật”.

Ngày Rằm tháng 2 âm lịch năm 544 trước Công nguyên, khi đức Phật vừa tròn 80 tuổi, Giống như một người bình thường phải trải qua: Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Ngài biết là tấm thân tứ đại của mình không còn lại ở thế gian bao lâu nữa. Ngài cho tụ hội tất cả các đệ tử của mình để giảng bài pháp cuối cùng đó là Đại Bát Niết Bàn Kinh và Kinh Di Giáo. Ngài khuyên rằng các đệ tử của mình hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Và hãy giữ gìn mạng mạch của Phật pháp.

Và rồi tại vườn Sa la song thọ, hoa Sa la lúc này đã nở trắng khắp khu vườn, Ngài chuyển những lời từ biệt tới đại chúng và sau đó nhập đại Niết bàn.

Kính thưa toàn thể đại chúng!

Đức Phật đã nhập Niết bàn gần 26 thế kỷ, nhưng lời dạy và những giá trị chân lý của Ngài vẫn trường tồn bất biến. Vượt lên sự giới hạn của không gian và thời gian, Chánh pháp là chân lý bất diệt mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại. Suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh không mệt mỏi, Ngài vẫn là tấm gương sáng về lòng từ bi và trí tuệ cho đời. Đại nguyện vì đời mà hành đạo, vì tình thương mà san bằng bể khổ đã được Ngài theo đuổi từng ngày, từng giờ cho đến phút cuối cùng khi Ngài nhập Niết Bàn.

Kính lạy đức thế tôn muôn vàn cao quý!

Xin dâng người cả trái tim mạng sống

Làm hạt bụi vương theo bước người đi

Để tu hành diệt ngã chấp sân si

Và gìn giữ ánh thái dương còn mãi

Hôm nay mùa Phật đản lại về, chúng con xin được quỳ xuống trước tôn tượng của Người và chắp tay nguyện rằng;

Chúng con xin nguyện sẽ đem hoa Ưu đàm nơi vườn Lâm-tì-ni xưa kia thả vào hồn muôn triệu người. Để con người quên đi đau khổ, hận thù, ích kỷ. Và nhớ rằng mỗi một lần Phật bước vào trần gian, mãi mãi dấu chân Người sẽ in vào trái tim của từng con người có mặt nơi trần thế. Có thể con người còn nhiều căm ghét, còn nhiền oán thù nhưng rồi vào một ngày kia tất cả sẽ đón nhận một lẽ phải chung – đó là từ bi và giải thoát. Nguyện cho tất cả những ai đã quỳ xuống hôm nay và hướng trái tim về ngày mà Đức Phật đặt bước chân đến với thế giới sẽ được nhiều hồng ân của Phật, tổ tiên cha mẹ nhiều đời được siêu thăng. Gia quyến sơn môn phúc lành vô lượng. Xin nguyện pháp giới chúng sinh theo nhau đồng giác ngộ.

Nam Mô Lâm Tì Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

MÙA PHẬT ĐẢN PL.2566 – DL.2022 – BAN VĂN HÓA CHÙA CỔ AM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *