GNO – Khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.

Tin quỷ là một nét đặc trưng của tín ngưỡng ngưòi Việt. Từ đó, tối thiểu cho đến năm 110 TTL mới bắt đầu truyền qua Trung Quốc do Dũng Chi thực hiện. Theo Tự Thiếu Tôn, sống khoảng 43-06tdl, làm quan dưới thời Hán Nguyên đế (43-32 TTL), viết phần Vũ Đế bản kỷ trong Sử ký 12 tờ 16b8-17a1, và mục Giao tự chí của Tiền Hán thư 25 hạ tờ 1a5-10, kể là sau khi nghe người Việt tên Dũng Chi nói về sự hiệu nghiệm của việc thờ quỷ: “Người Việt tục tin quỷ, kẻ thờ đều thấy quỷ, nhiều lần có hiệu nghiệm. Xưa vua Đông Âu kính quỷ, thọ đến 160 tuổi. Đời sau khinh lười nên suy vi”.

Hán Vũ đế bèn “khiến thầy bói Việt lập đền thờ (quỷ) Việt, dựng đài mà không đàn, cũng thờ trời, thần, thượng đế và trăm quỷ, nhưng dùng gà để bói. Vua tin. Thờ quỷ Việt và bói gà bắt đầu dùng (từ đó)”.

Thế rõ ràng tục thờ quỷ theo lối người Việt, từ sau khi Nam Việt diệt vong năm 110 TTL, mới bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc với sự ủng hộ tín thành của người lãnh đạo cao nhất nước Hán là Hán Vũ đế và do người Việt là Dũng Chi truyền vào. Trước thời Hán Vũ đế, còn có tục lên nóc nhà gọi hồn người chết, được ghi trong Lễ ký. Về việc thờ quỷ và gọi hồn người chết này, về sau đã được Mâu Tử đề cập tới, khi có người vấn nạn vì sao ông không tin vào thuyết “người chết sẽ sống lại”. Điều thứ 12 của Lý hoặc luận đặt vấn đề:

“Đạo Phật nói người ta chết thì phải sinh lại. Tôi không tin điều ấy đúng thế” Mâu Tử trả lời: “Người đến lúc chết, nguời nhà trèo lên nóc nhà mà gọi. Chết rồi thì còn gọi ai? Bảo là gọi hồn phách nó. Mâu Tử nói: “Thần hồn trở lại thì sống, không trở lại thì thần hồn đi đâu? Trả lời: Thành quỷ thần”.

Tục người Việt tin quỷ như vậy, thực tế là tin người chết không phải chết là hết, mà những người chết đã thành quỷ thần, và đáng được thờ phụng. Đấy có thể nói là những thông tin bằng tư liệu thành văn đầu tiên nói về tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt.

Những thông tin này ngày nay có thể được chứng thực bởii các di liệu khảo cổ học tìm thấy ở các ngôi mộ ở Lũng Hòa (Phú Thọ)1, Thiệu Dương (Thanh Hóa)2, Việt Khê (Hải Phòng)và Lạch Trường (Thanh Hóa)4, mà về mặt thời gian trải dài từ thiên niên kỷ thứ II TTL đến thiên niên kỷ thứ I TTL. Đó là các vật tùy táng từ thô sơ dân dã như rìu, đục, nồi, bát, hạt chuỗi, hoa tai, suốt xe chỉ v.v.. của Lũng Hòa cho đến hiếm quý sang trọng như trống đồng, đèn đồng, Đồ Sơn then, đỉnh, bình, ấm v.v… và thậm chí cả vũ khí nữa như dao, dao găm, giáo, mũi tên v.v…Tất cả đồ tùy táng này có ý nghĩa gì, nếu không phải để cho các người đã chết có dịp dùng chúng, để phục vụ họ bên kia thế giới. Nói khác đi, đã từ lâu tổ tiên người Việt quan niệm chết không phải là hết. Cho nên, khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.

Việc kết hợp thờ người chết và bói gà này cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong tập tục tang ma của người Việt Nam. Chẳng hạn khi cúng ngưòi chết thì dùng ba trứng gà; khi mở cửa mả thì dùng con gà kéo lôi ba vòng rồi thả đi, tin rằng hồn người chết sẽ theo con gà đó mà ra khỏi mả. Ngay cả việc cúng ông bà vào ba mươi tết hay tảo mộ cũng phải có cúng một con gà v.v…

Tục bói gà này, khi Trương Thủ Tiết viết Sử ký chính nghĩa 12 tờ 16b12-13 ghi nhận là vào năm 736 còn lưu hành ở Việt Nam: “Phép bói gà, dùng gà một con, chó một con, đang sống thì chú nguyện, xong liền giết. Gà chó đem nấu chín, lại đem cúng. Riêng lấy gà, trên xương hai mắt nó từ có lỗ nứt giống hình vật người là tốt. Nếu không đủ là xấu. Nay Lĩnh Nam còn làm phép đó”.

Đến thời Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) viết Thiên Nam ngữ lục vào năm 1685, thì thay vì bói gà bằng lỗ nứt tại con mắt, đã ghi nhận phép bói gà bằng chân trong liên quan tới việc Lý Phục Man chống lại Trần Bá Tiên khi vua Lý Nam đế (ở ngôi 544-547) thất trận:

“Chiêm Thành tuy nhỏ ở xa

Sự Trung Quốc loạn nó hòa đã hay

Bằng con nó động đến nay

Nó xưa trong náu, nó rày ngoài xung

Cái ngài cái ắt khôn mong

Phục Man dầu có anh hùng mà chi”5.

Trong đó các từ con, cái, trong, ngoài, náu, xung, động, ngùi là những từ chuyên môn trong khoa bói chân gà tại Việt Nam nếu không phải là thời Lý Phục Man tức khoảng năm 548, thì cũng là của thời Thiền sư Chân Nguyên ở thế kỷ XVII. Điểm cần lưu ý ở đây là việc thờ quỷ, cúng bói gà, là nhằm phục vụ cho việc được sống lâu,cho việc thấy được quỷ, cho việc tiên đoán một số sự kiện trong tương lai v.v… Nói cách khác, đây là một tín ngưỡng có tính cách quyền năng để phục vụ cho những yêu cầu tìm đến quyền năng cuả dân Việt từ thời cổ xưa.

Trên bối cảnh của một nền tín ngưỡng và tư tưởng học thuật như vậy, Phật giáo đã truyền vào nước ta. Thế thì, Phật giáo truyền vào Việt Nam với một hệ thống giáo lý nào? Việc nhà sư Phật Quang trao cho Chữ Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá thần, mà không có một lời giảng thuyết giáo lý nào, càng làm cho vấn đề rắc rối thêm. Ta chỉ biết sau đó Chữ Đồng Tử cùng Tiên Dung dựng gậy và nón lên thành phố xá lâu đài. Và điều này cũng báo cho ta biết ít nhiều về tính chất của nền Phật giáo Chữ Đồng Tử, Tiên Dung đó là tính chất quyền năng. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nội dung giáo lý của nền Phật giáo thời Hùng Vương, ta phải trở lại phân tích thêm Lục độ tập kinh, mà bản dịch ra tiếng Trung Quốc do Khương Tăng Hội dịch từ tiếng Việt hiện còn được bảo lưu trong Đại Tạng.

(Trích Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, NXB. TP.HCM, 2003, tựa của GNO)

————-

1. Hoàng Xuân Chinh, Báo cáo khai quật đợt một di chỉ Lũng Hòa, Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, 1968.

2. Thanh Duy, Một vài nét về di tích khảo cổ thuộc thời đại đồng thau ở Thiệu Dương (Thanh Hóa) trong một số báo cáo về khảo cổ học Việt Nam năm 1966, Hà Nội: Đội khảo cổ xuất bản, 1966, tr.216.

3. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Những hiện vật tràng trữ tại Viện bvaor tàng Lịch sử về ngội mộ cổ Việt Khê, Hà Nội, 1965.

4. Olov Jansé, Archaeological reseach in Indochina 1. Camdridge, MA. Harvard U.P. 1956. Ảnh 146, 1.

5. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập III, tr.332.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *