Con sinh ra trong một gia đình nề nếp nhưng khoáng đạt, ba mẹ con thuộc kiểu người chất phác, không ưa dùng lời ngọt ngào, hoa mỹ, ít khi bày tỏ tình cảm ra ngoài, cũng chẳng thường trò chuyện, tâm sự với con cái. Ba mẹ luôn để con tự quyết định mọi việc của mình. Điều đó, đã hình thành tính tự lập trong con nhưng cũng vô tình đẩy con xa ba mẹ. Có lẽ chính vậy dù cả ba và mẹ đều là những Phật tử thuần thành nhưng người đầu tiên đưa con vào đạo là dì con. Con bắt đầu hướng đến Phật pháp năm lên 7 tuổi. Mỗi cuối tuần, khi dì ở nhà niệm Phật suốt từ 8h sáng đến 11h trưa thì con luôn là người ngồi gõ mõ và niệm Phật hăng say nhất. Con nhớ như in cái ngày dì đưa con vào chùa Hoằng Pháp lúc được chụp hình cùng thầy Trụ trì Chân Tính. Con đã cảm thấy rất hạnh phúc, một cảm giác lâng lâng tràn ngập suốt mấy ngày liền. Nhiều lần con cứ ngồi nhìn bức ảnh ấy và cười một mình. Những tháng ngày thơ ấu tiếp đó, con luôn được mẹ bật cho nghe tiếng băng giảng pháp của các thầy và đặc biệt suốt năm 8 tuổi, đoạn cassette “Phật pháp cứu đời tôi” của thầy Chân Tính đã được con mở đi mở lại, nghe đến thuộc lòng. Rồi con bắt đầu tập tành ăn chay, và sau đó cả gia đình con cũng đã ăn chay trường. Tuổi thơ của con là như thế, an lạc, hạnh phúc, và luôn hướng đến Phật.
Thời đi học, con luôn là đứa có đầu óc trong trường, trong lớp. Sau cú hẫng về kết quả tốt nghiệp năm cuối cấp I, con trầm tính hẳn và lao đầu vào học khi bước vào cấp II. Con mất dần những thói quen hồi bé: đi chùa, sang nhà dì niệm Phật, nghe băng giảng pháp. Con quyết tâm phải luôn đứng ở những vị trí cao nhất trên bảng vàng danh dự như hồi tiểu học. Và suốt những năm cấp II, con đã làm được điều đó. Nhưng đi kèm với những danh tiếng, thành tích ấy là những lời thị phi bất nhẫn của bạn bè. Thời gian đó, trái tim và khối óc con đã không còn chút cảm nhận gì về tình bạn, tình thầy trò. Sau mỗi học kỳ, con vẫn luôn đứng nhất, nhì lớp. Con đã thấy thật hả hê, sung sướng. Cuộc sống của con cứ thế trôi qua. Quấn quýt và mệt nhoài từ ngày này sang ngày khác, con lao vào học từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày chỉ ăn một bữa chỉ để có được một vốn kiến thức hơn bạn bè, để mong cầu một hư danh nào đó. Và rồi con cứ như người bị cuốn theo chiều gió mà quên rằng, đã từ rất lâu rồi con chưa một lần nhìn lên ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm trên bàn thờ chứ nói gì đến việc đến chùa lễ Phật. Rồi đến một ngày, cuộc đời con lật sang trang mới khi con vừa tròn 14 tuổi. Một trận cãi nhau trong gia đình đã làm thay đổi cả cuộc đời con. Những lời nói vô tình của mẹ đã khiến con thấy mất đi cả chỗ dựa cuối cùng. Dù ba đã khuyên những lời đó cũng do ảnh hưởng bệnh viêm não vẫn còn trong mẹ, nhưng vì tổn thương quá lớn, con đã không thể bỏ qua, không thể quên được. Con đã từng tìm cách chấm dứt cuộc đời mình nhưng không thành. Hai bên nội ngoại khi biết việc, ai cũng la rầy, lên án con. Con cảm thấy cô độc, không ai hiểu mình, không ai chia sẻ bởi mọi người dường như chỉ biết soi xét con. Con mất lòng tin vào tất cả, chán ngán gia đình và muốn trốn tránh mọi người. Suốt thời gian đó, con bị trầm cảm nặng. Con được đưa đến rất nhiều bác sĩ tâm lý, đều là những người có học vị cao, nhưng tất cả cũng chẳng giúp được gì vì chính bản thân con luôn tỏ thái độ bất hợp tác.
Rồi nhân duyên đưa đẩy, theo lời mời một người bạn cùng lớp con đã tìm đến nhà thờ như một cửa thoát của đời mình. Những tâm sự chưa một lần được giãi bày nay đã được nhiều người chia sẻ, con cảm thấy như tìm lại được giá trị của mình. Để chứng tỏ mình, con tham gia tất cả hoạt động ở đây. Con nhạy bén, luôn nổi trội và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Con thấy thích thú vì được bao bọc trong sự nâng niu, quan tâm, o bế, đối nghịch hẳn ở nhà, luôn bị soi xét, lên án lỗi lầm. Nhưng dần dà con nhận ra tất cả chỉ là cách con thỏa mãn bản tính ích kỷ, sự hưởng thụ của bản thân. Con đâu biết rằng chính điều đó đang dần giết sự an lạc của tâm mình. Cũng chính bởi tính cách ấy mà sau lần thất bại khi quyết định “kết thúc” cuộc đời vào năm lớp 9, con đã không thể nào lường hết được những nỗi khổ đau tiếp đến mình phải gánh chịu còn theo đó nhân lên gấp nhiều lần. Giọt nước đã tràn ly khi con bị lạm dụng tình dục năm chưa tròn 15 tuổi. Bản tính sống khép mình khiến con cam tâm, đơn độc chịu đựng nỗi đau đó mà không chia sẻ với ba mẹ vì sợ sẽ bị xét đoán như bao chuyện trước đây. Con cũng đã thấy chán ngán, quen nhàm và bất mãn với những cách chia sẻ “theo bài” của những người ở nhà thờ. Con bỏ dần tất cả và co người lại. Những trận cãi nhau của ba mẹ, những cảnh giống như những gì con trải qua ở trong phim, trong các vở kịch luôn dễ làm con hoảng loạn, mất bình tĩnh.
Những tháng ngày bị liệt hai chân không đi lại được, những ngày hôn mê ở bệnh viện không chỉ là kết quả về đợt con phát bệnh mà còn là sự di căn của nỗi đau tinh thần quá lớn mà từ lâu con đè nén. Có những lúc mọi người trong nhà tưởng chừng con không thể sống nổi. Thậm chí có những lúc con chỉ muốn chết đi mà thôi để không còn chịu đựng cảm giác đau đớn, nhục nhã trước cái tâm độc ác người đời dành cho mình. Nhưng sau cơn mê dài phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), con tỉnh dậy và được đưa lên phòng bệnh thường. Nhìn ra cửa sổ bệnh viện, con nhận ra những tia nắng bình yên nhẹ nhàng của buổi sớm mai và vang trong không trung, con nghe văng vẳng bên tai tiếng niệm Phật một thời đã lãng quên trong tiềm thức. Tâm hồn cằn cỗi của con như có dòng suối trong mát trong chảy tràn, một cảm giác an lạc và ấm áp lạ kỳ chưa từng có tràn ngập trong con. Có một điều mà mãi sau này con mới biết đó là những ngày tháng con không đến chùa, không niệm Phật và nhất là những ngày con mê man vì bệnh tật, dù ít khi vào thăm nhưng mỗi đêm ba đã thức hàng giờ đồng hồ niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ-tát để mong sức từ bi của Ngài sẽ mang con về nẻo chánh. Từ đó, con đã nhận ra tình yêu thương thầm lặng mà ba mẹ dành cho mình. Tình thương ấy không ngôn từ nào có thể để diễn tả được. Khi đó, con mới nhận ra… con cần gia đình, cần tình thương vô lượng vô biên của đức Phật và của các thầy chùa Hoằng Pháp như ngày xưa biết chừng nào!
Sau khi xuất viện về nhà, vào một tối nọ ba mở cuốn kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn thứ 25 đọc cho con nghe. Khi ba đọc đến lần thứ hai, không hiểu sao tâm hồn con bình yên quá! Một tuần sau đó, con và ba mua hoa quả, trái cây lên chùa Hoằng Pháp để cúng dường, lễ tạ Bồ-tát Quan Thế Âm. Ngài đã vực con dậy giữa lằn ranh sự sống và cái chết, đưa con quay về đúng bến bờ cần nương tựa. Khi quỳ xuống lễ Phật, mọi phiền não, u buồn và sự ích kỷ trong con suốt gần 5 năm qua tan biến đâu mất. Trong con chỉ còn đầy tràn một tình yêu thương vô cùng ấm áp. Ngay lúc đó trở đi, con không còn muốn sống và nỗ lực cho tham vọng của mình nữa, bởi lòng tham con người là không đáy, nếu cứ mãi chạy theo thì vĩnh viễn không bao giờ thấy đủ. Con biết rằng, đích đến cuộc đời mình là mong ước được giúp đời, giúp người. Con sẽ trau dồi kiến thức, học tập hết lòng cũng vì lý tưởng đó và qua đó con tin rằng mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn lên.
Con đã Quy y Tam Bảo tại chính ngôi chùa này một tháng sau đó, cũng kể từ ngày ấy, thế giới quan, nhân sinh quan của con đã thay đổi. Con bắt đầu tìm hiểu Phật pháp, về chân lý cuộc đời và tình thương yêu quảng đại của Ngài với tất cả chúng sinh và quyết tâm thực hành. Cùng với việc học, con không quên trau dồi và thực hành Phật pháp để luôn giữ vững niềm tin, vững vàng bước đi trên con đường đạo. Giờ đây, kết quả học tập của con còn tốt hơn xưa, con cảm nhận rõ rệt trí nhớ và tư duy của mình tăng trưởng hơn hẳn. Kể từ khi theo Phật, con đã nhận ra thật nhiều điều, biếtsống tự lập, mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, biết quan sát, lắng nghe và hiểu thấu đời hơn.
Quả thật, nỗi khổ, niềm đau như thế nào chỉ người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Cũng vậy, Phật pháp nhiệm mầu ra sao cũng chỉ có những trải nghiệm của chính bản thân mới có thể cho được những nhận thức chân thật và sâu sắc nhất. Trước đây, con đã sống với một thái độ không tốt, một niềm tin không vững vàng để cái ác, cái xấu len lỏi vào cuộc sống của mình, đã vùi mình sống quá tiêu cực và u tối suốt cả thời thơ ấu. Nhưng nhờ phước đức vô lượng từ vô biên kiếp đã gieo, con may mắn gặp được Phật pháp, để sau bao nhiêu biến cố, thăng trầm của đời mình, con lại tìm về với bến bờ giải thoát. Chân lý mà Phật dạy như ngọn đuốc soi đường, đưa con ra khỏi những mê hồn trận không lối thoát. Chân lý cứu khổ ấy cùng đức hạnh, trí tuệ vĩ đại của Ngài mãi là nguồn sống an lành, là lý tưởng cần hướng đến không chỉ riêng con mà là tất cả chúng sinh. Hằng ngày, sau thời khoá tụng kinh, niệm Phật và tịnh toạ, con vẫn thường quỳ bên tôn ảnh Bồ-tát Quan Thế Âm trong căn phòng tĩnh lặng của mình giữa đêm khuya để cầu nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sinh hết khổ đau, sớm quay về nương tựa ba ngôi báu. Hiện tại, trong cuộc sống hằng ngày, con có gặp nhiều khó khăn vì phải thường đối mặt với tâm tính không tốt của những người nơi môi trường tiếp xúc, nhưng sau mỗi tuần học tập, cứ chủ nhật con lại tìm đến chùa Hoằng Pháp, quỳ dưới tượng đức Từ Phụ A-di-đà và đức Quan Thế Âm để cảm nhận mình như được gội sạch những nỗi đau nhân thế. Để sau đó lại được trở về với cuộc sống bon chen, hối hả, tranh đua của người đời với tâm bình thản, an lạc, sáng suốt, không còn bị cuốn theo chiều gió như trước đây nữa.
Lời Phật dạy nhìn cuộc sống hiện tại thì khắc biết quá khứ, con người ta đã gieo trồng gì thì biết được tương lai ta gặt được gì. Vậy, con đã gieo những gì trong vô lượng kiếp trước để kiếp này nhận lấy, con cần trồng gì trong kiếp này để những kiếp vị lai sau được gặt hái. Nhân quả là rõ ràng như vậy, nên con phải học cách gieo trồng những hạt giống tốt. Về với đạo Phật, con tìm thấy con đường Bát Chánh Đạo mà đức Bổn Sư đã dạy – là con đường mà con người phải biết đối diện trực tiếp khổ đau để diệt trừ khổ đau. Về với đạo Phật để con biết mình, một ngày xưa đã luôn tự trách cứ – tự làm mình đau khổ khi gặp phải những điều bất như ý, bất công, ngang trái trong cuộc sống và là một ngày nay, khi gặp phải những cay đắng, sóng gió và sự vùi dập từ nhiều người, nhiều phía… con đã tìm về quỳ trên nền gạch trước tượng đức Từ Phụ A-di-đà và đức Bồ-tát Quan Thế Âm, tìm về giữa cái nắng chói chang trưa chát, giữa không gian giao hoà của đất trời để cảm nhận hình bóng các Ngài vẫn hiển hiện anh linh, kỳ diệu. Cứ thế, con bây giờ cứ đi trong ánh sáng lung linh, huyền diệu của đạo pháp, biết cho nỗi đau xuyên qua thân mình và cảm nhận nó như món quà diệu kỳ của cuộc sống.
Con là ai trong vô lượng kiếp, trong cõi Ta-bà này? Khi đau khổ và tuyệt vọng đến cùng cực, con đã tìm về với nẻo đạo Từ Bi để được giải thoát những nỗi đau nhân thế. Con nguyện sống sao để không hổ thẹn và lãng phí một kiếp người. Con nguyện sống đúng theo con đường mà đấng Cha Lành Thích-ca Mâu-ni đã chỉ dạy để thành tựu chính mình và độ thoát hết thảy chúng sinh còn đang ngụp lặn trong bể khổ trầm luân. Nguyện không bao giờ thay đổi!
Ngô Khánh Linh