Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã là một đấng lịch sử trong cõi Ta Bà, ngoài mấy nghìn năm, hình ảnh ngài vẫn in sâu nơi ký ức của nhơn loại, do truyện ký cùng di tích, nhứt là nét vàng rực rỡ trong Tam Tạng. Ðức Từ Phụ A Di Ðà Phật cũng là một đấng hoàn toàn lịch sử của thế giới Cực Lạc, trên vài mươi thế kỷ, hồng danh mãi vang lên nơi miệng, nơi tâm của tất cả, y cứ nơi kim ngôn của đức Bổn Sư, đấng chơn thật ngữ. Ðức Bổn Sư trước khi hiện thân thành đạo vô thượng ở cội Bồ Ðề, để rồi trở nên vị Giáo Chủ cao cả của cõi Ta Bà, ngài là Thiện Huệ Bồ Tát dưng hoa trải tóc cúng dường Phật Nhiên Ðăng và là Hộ Minh Bồ Tát ngự ở cung trời Ðâu Suất v.v… Ðức Từ Phụ cũng thế, trước khi viên thành quả Chánh Giác giữ ngôi Pháp Vương ở Cực Lạc thế giới, ngài cũng có nhơn địa của ngài: Vua Vô Tránh Niệm thời kỳ Phật Bảo Tạng, Vương Tử Thắng Công Ðức trong pháp hội của Phật Bảo Công Ðức, Bồ Tát Sa Di con trai của đức Ðại Thông Trí Thắng Phật, v.v… Trước khi tìm hiểu đến thân và cõi hiện tại của đức Từ Phụ, ta cần nên rõ nhơn địa của ngài, để biết rằng kết quả vô thượng đây tất do nơi nhơn thù thắng thuở trước đây.

I. Vua Vô Tránh Niệm:

Trích thuật theo kinh “Bi Hoa”                  Đức Phật A-Di-Đà là một vị giáo chủ bên cõi Lạc bang, oai đức không cùng thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta Bà đem về Tịnh độ.
    Trong kinh Bi Hoa nói rằng:  “Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì”.  Khi ấy tại cõi San-đề-lam, có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiệm Bộ Châu, ba là Tây Ngưu Hóa Châu, và bốn là Bắc Cu Lô Châu; tiếng nhơn hiền đồn dậy bốn phương đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ; nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng ái kính.
   Vua ấy có nhiều người con và có một vị Đại thần, tên là Bảo Hải, con dòng Phạm chí, rất tinh thông về việc xem thiên văn.
   Ông Bảo Hải lại có một người con trai tướng tốt lạ thường, từ dưới chân lên đến trên đầu đều có ba mươi hai tướng tốt.
   Khi con ông mới sanh ra, thì có các hàng khách tôn quí đem nhiều đồ lễ vật đến dâng cho, nhân vậy mà đặt tên là Bảo Tạng.
   Lúc khôn lớn, thì Bảo Tạng xem biết việc đời là thống khổ thân mạng lại vô thường, tự nhiên sanh lòng chán ngán, bỏ cuộc vinh hoa, liền xuất gia tu hành, chẳng đặng bao lâu mà đã thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai, đủ các đạo pháp nhiệm mầu, thần thông rộng lớn. Khi thành Phật rồi, thì Ngài dạo khắp các nơi mà hóa độ chúng sanh; có nhiều hàng đệ tử đã chứng đặng quả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, nên nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng hoan nghinh.
   Có một bữa kia, vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng cùng đại chúng đến giảng đạo tại vườn Diêm phù, gần bên thành, thì tự nghĩ rằng: “ Nay ta muốn đến chỗ Phật, đặng xem coi giảng đạo lý gì mà thiên hạ tín ngưỡng đông như thế !”
   Nghĩ như vậy rồi, vua cùng các vị vương tử, đại thần và quyến thuộc bèn đến vườn Diêm phù lễ Phật vừa xong, liền đi chung quanh ba vòng, rồi ngồi bên ngài mà nghe pháp.
   Vua Vô Tránh Niệm xem thấy Đức Bảo Tạng Như Lai khoanh chân ngồi trên bảo tọa có hình con sư tử, rất bực trang nghiêm, đủ tướng tốt đẹp, chung quanh thân Ngài có ánh sang nhiều sắc chói lòa.
   Còn trong pháp hội thì thấy: nào là những người đã xuất gia làm đệ tử của Phật cạo tóc đắp y, nào là những hàng vương tử đại thần mặc đồ anh lạc, nào là cung nga mỹ nữ dung mạo tốt xinh, nào là sĩ, nông, công, thương, áo xiêm chỉnh đốn, kẻ thì chấp tay ngồi im lặng, người thì quỳ gối thưa hỏi, xem bộ ai nấy cũng chăm ngó Phật mà nghe pháp cả.
   Vua Vô Tránh Niệm quan sát khắp đủ mọi lẽ, bèn nhắm nhìn thân mình, rồi trở lại ngó Phật, mắt sững không nháy, lòng thiệt hoan nghinh, cái tâm niệm tín ngưỡng tự nhiên phát lộ, liền đảnh lễ Ngài và đi xung quanh ba vòng, rồi cũng ngồi xuống một bên Ngài mà chăm nghe lời giảng dạy.
   Vua nghe Đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, biết sự làm lành, liền quì xuống chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Nay tôi muốn sắm đủ những đồ ăn uống: áo chăn, mền nệm và thuốc men, đặng dâng cúng cho ngài và đại chúng luôn trọn ba tháng ở đây mà giảng đạo. Xin ngài từ bi ai nạp “.
   Vua Vô Tránh Niệm thấy Phật nhận lời, liền trở về truyền lệnh sắm sửa đủ mọi lễ, cứ đúng buổi mà dâng cúng không hề trễ nải.
   Vua lại khuyên bảo các vị vương tử, đại thần, quyến thuộc và nhân dân rằng: ”Các ngươi có biết hay không? Nay trẫm đã mở lòng bố thí, kính thỉnh Đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng đến mà cúng dường trọn ba tháng.  Những đồ báu trọng ngon đẹp của trẫm thọ dụng bấy lâu nay đều đem dâng cúng tất cả. Các ngươi cũng nên thể theo ý trẫm xả bớt huyễn tài mà cúng Phật Tăng đặng cầu phước báo “.
    Cả thảy đều vâng lời vua khuyên, hết lòng sắm sửa lễ vật mà dâng cúng Phật.
    Có một hôm, quan Đại thần Bảo Hải, là phụ thân Đức Bảo Tạng Như Lai, nằm  chiêm bao thấy vua Vô Tránh Niệm làm sự bố thí thì lớn, mà việc cầu phước báo thì nhỏ. Sự ao ước của vua còn thuộc về phước hữu lậu trong cãi nhân thiên, chưa thoát ra khỏi luân hồi sanh tử.
   Vậy nên quan Đại thần chẳng đặng vui lòng, vì ý của ông muốn làm sao cho vua phát tâm cầu quả Bồ đề, tu thành Phật đạo mà cứu vớt mọi loài chúng sanh, chớ không muốn cho vua cầu phước báo nhỏ nhen như hàng tiểu dân vậy.
   Quan Đại thần suy nghĩ như vậy, bèn đến chỗ Phật Bảo Tạng Như Lai tỏ điềm chiêm bao ấy, và tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: “Muôn tâu Đại vương ! Xin suy nghĩ đến việc này. Về sự sanh tử luân hồi phải bỏ thân này mang lốt khác, nên khó đặng thân người. Nay Đại vương đã cảm lấy phước báo làm đặng vương thân, thiệt là quí báu biết dường nào !  Các Đức Phật tùy cơ duyên của chúng sanh cảm triệu mà ứng hiện ra đời, cũng như bông ưu đàm ứng thời mà nở ; thiệt là ít có ! Nay Đại vương gặp Phật xuất thế, thì phần hân hạnh biết bao ! Dứt trừ lòng dục vọng, làm mọi sự phước duyên, cũng là việc khó mà Đại vương làm đặng như vậy, thiệt là ít ai bì đặng !
   Xin Đại vương thứ lỗi cho ngu thần hỏi lời này: Ngày nay Đại vương cúng dường Phật Tăng, dùng phước duyên đó mà cầu nguyện những việc chi, xin cho ngu thần rõ.
   Nếu Đại vương muốn cầu sanh về cõi Trời mà làm một vị Thiên tử hưởng sự phước thọ hay là muốn cầu sanh về cõi Nhân gian làm vua Chuyển Luân, thống lãnh bốn châu thiên hạ như ngày nay vậy, thì cũng còn ở trong khổ hải, chớ chưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
   Thưa Đại vương !  Hai sự phước báo tôi đã trần tấu đó đều là tướng vô định, đều là sự vô thường, thí như cơn gió thổi, dường tợ đám mây tan, có chắc chắn lâu dài chi đâu mà phải cầu nguyện !
   Nếu sanh về cõi Trời, khi hưởng sự khoái lạc mà có tạo ác nghiệp, thì cũng phải đọa vào Địa ngục, đặng chịu khổ. Còn như sanh về cõi Nhân gian, thì lại chịu mọi sự khổ não phần thì oán cừu gặp gỡ, phần thì ân ái chia lìa cái khổ trạng ấy không thể kể xiết.
   Vì Đại vương nhờ nhân duyên tu phước đời trước, nên mới hưởng đặng sự tôn vinh như vầy.  Nếu nay Đại vương giữ gìn giới luật, thì sẽ đặng phước báo lớn hơn nữa.  Còn như tu học chánh pháp, thì sẽ thành chưởng trí.
   Vậy xin Đại vương nên phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ đề, chớ đừng cầu nguyện những việc phước nhỏ nhen như hạng người thường kia vậy.
   Vua Vô Tránh Niệm nghe quan Đại thần Bảo Hải khuyên thỉnh như thế, thì tâm lượng tự nhiên mở rộng, liền đáp rằng:  “ Trẫm muốn trải khắp trong đường sanh tử. làm sự bố thí , trì giới, hầu nghe những pháp mầu nhiệm, tu hạnh Bồ tát và cứu vớt chúng sanh ; do nhân duyên ấy mà phát tâm Bồ Đề “.
   Đại thần Bảo Hải lại nói rằng:  “  Bồ đề là một đạo rất trong sạch sáng suốt, rất ngay thẳng chính đáng rất trang nghiêm tốt đẹp, rất rộng lớn cao sâu, khắp cả hư không, trùm cả sa giới rất có oai thần mãnh lực.
   Vả lại đạo Bồ đề là hạnh bố thí, sẽ đặng giàu sang ; là hạnh trì giới, sẽ đặng thanh tịnh ; là hạnh nhẫn nhục, sẽ đặng vô ngã ; là hạnh tinh tấn, sẽ đặng bất thoái ; là hạnh thiền định, sẽ vắng lặng ; là hạnh bát nhã, sẽ đặng sáng suốt.
   Tu được như vậy mới đến chỗ An lạc và mới chứng đặng quả Niết bàn.  Vậy xin Đại vương nên phát tâm mà cầu đạo ấy.
   Vua Vô Tránh Niêm đáp rằng:  “ Này khanh ! Đương thời kỳ trung kiếp, mỗi người sống lâu chỉ có tám vạn tuổi mà thôi ! Nay Đức Bảo Tạng Như Lai ứng hiện ra đời mà giáo hoá chúng sanh, hoặc có kẻ chứng pháp Tam muội, hoặc có người đặng bực Bồ tát, hoặc đặng thọ ký làm Phật, hoặc đặng quả báo nơi cõi Nhân thiên.  Trong hàng chúng sanh có một người nào không trồng căn lành mà Đức Như Lai chẳng nói pháp đoạn khổ.  Tuy Ngài là phước điền của chúng sanh, song những người không có căn lành thì Ngài không có thể hóa độ cho dứt đặng mọi sự khổ não “.
   Nay Trẫm phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát hạnh, học đạo Đại thừa, chứng pháp môn rất mầu nhiệm, chuyên làm Phật sự mà giáo hóa chúng sanh.  Trẫm muốn cầu làm sao cho khi thành đạo Bồ đề thì Thế giới đặng trang nghiêm thanh tịnh chúng sanh không còn có một chút khổ gì.  Nếu đặng như vậy thì trẫm sẽ chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
   Vua Vô Tránh Niệm nói như vậy rồi, bèn đi với quan Đại thần Bảo Hải đến chỗ Đức Bảo Tạng Như Lai, thấy ngài đương nhập định. Lại dùng phép thần thông biến hóa và phóng hào quang sáng suốt, hiện cả mười phương thế giới của Chư Phật ra trước mặt cho chúng hội xem:  hoặc có cõi Phật đã Niết bàn rồi, hoặc có cõi Phật đương Niết bàn, hoặc có cõi các vị Bồ tát mới ngồi nơi đạo tràng dưới cây Bồ đề, đương hàng phục chúng ma hoặc có cõi Phật mới thành đạo và mới nói Pháp, hoặc có cõi Phật thành đạo đã lâu, đương còn nói pháp, hoặc có thế giới toàn là các bực Bồ tát, hoặc có thế giới toàn là những hàng Thanh văn và Duyên giác, hoặc có thế giới không có Phật, Bồ tát, Thanh văn và Duyên giác chi hết, hoặc có thế giới đủ năm món ác trược, hoặc có thế giới đủ các thứ trang nghiêm, hoặc có thế giới hèn kém dơ nhớp, hoặc có thế giới tốt đẹp lạ thường, hoặc có thế giới mà nhân dân sống lâu vô cùng, hoặc có thế giới mà nhân dân thọ mạng ngắn ngủi, hoặc có thế giới thường bị tai nạn thủy hỏa, hoặc có thế giới hằng bị tai nạn gió bão, hoặc có thế giới gần thành tựu, hoặc có thế giới đã thành tựu rồi.
   Đại thần Bảo Hải thấy vậy, bèn tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng:  “Nay Đại vương nhờ sức oai thần của Đứ Như Lai mà đặng thấy các thế giới ; vậy Đại vương phát Bồ đề tâm muốn cầu lấy thế giới nào”.
   Vua chấp tay mà thưa với Đức Bảo Tạng Như Lai rằng:  “Bạch Đức Thế Tôn ! Chẳng biết các vị Bồ tát tu hạnh gì mà được đặng cõi Phật tốt đẹp trang nghiêm, tu nghiệp gì mà được đặng thế giới xấu xa ác trược, do nghiệp gì mà đặng thọ mạng lâu dài, tạo nghiệp gì mà số mạng ngắn ngủi ? Xin ngài chỉ dạy cho tôi biết mà tu học “.
   Đức Bảo Tạng Như Lai nói rằng: “Vì bởi các vị Bồ tát có sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới thanh tịnh, không có các điều ác trược, nên sau khi thành đạo được về ở cõi rất trang nghiêm. Còn các vị Bồ tát nào do sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới ngũ trược đủ sự phiền não, nên sau khi thành đạo về ở cõi ngũ trược phiền não ấy “.
   Vua Vô Tránh Niệm lễ Phật rồi lui trở về trong cung, một mình ngồi im lìm mà suy nghĩ đến sự thệ nguyện của mình, mong cầu cho đặng cõi cực kỳ tốt đẹp, đặng tiếp dẫn chúng sanh.
   Suy nghĩ rồi vua bèn trở lại lễ Phật mà thưa rằng ; “Bạch Đức Thế Tô ! Vì tôi muốn chứng đạo Bồ đề, nên đem công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm.
   1.  Bạch Đức Thế Tôn ! Nay tôi nguyện sau này khi tôi thành Phật, làm sao đặng một Thế giới đủ sự vui đẹp, hình dạng nhân dân trong cõi ấy toàn là sắc vàng và không có những đường Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sanh xen ở chung lộn.  Hết thảy chúng sanh nơi cõi ấy chẳng khi nào còn phải thoái chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa, và người nào cũng đủ sáu phép thần thông và căn thân tốt đẹp.
   2. Tôi nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy, đều thành đàn ông tươi tốt vô cùng, không còn thọ báo sắc thân đàn bà và cũng chẳng còn có danh hiệu của người đàn bà nữa.  Hết thảy chúng sanh, khi được về đó, thần thức đầu thai trong bông sen, lúc bông nở ra thì căn thân xinh tốt, thọ mạng lâu dài, không kể xiết đặng.
   3.  Tôi nguyện cõi ấy đặng trang nghiêm, cảnh vật thậtt xinh đẹp, không có mọi sự nhiễm trược, hằng có hoa tốt hương thơm mùi bay các hướng.
   4.  Tôi nguyện cho chúng sanh trong cõi ấy, ai nấy cũng đều đặng ba mươi hai tướng tốt, sáu phép thần thông, trong giây phút dạo khắp các cõi Phật trong mười phương, đặng cúng dường và nghe pháp, rồi trở về cũng chưa trễ buổi ăn.
   5.  Tôi nguyện nhân dân trong cõi ấy đều đặng mọi sự thọ dụng tự nhiên, đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiên ra trước mắt ; còn muốn bận đồ gì thì có áo xiêm tốt đẹp hiện ra bên mình, không cần phải sắm sửa như trong cõi nhân gian vậy.
   6. Tôi phát nguyện cầu đặng cõi Phật như vậy, đặng từ rày về sau, đời đời kiếp kiếp, thường tu hạnh Bồ tát, làm sự hi hữu mà tạo thành cõi Tịnh độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây Bồ đề mà thành quả Chánh giác, phóng hào quang soi các Thế giới cho các đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của tôi.
   7.  Tôi phát nguyện cầu đặng cõi Phật như vậy, đặng từ rày về sau, đời đời kiếp kiếp, thường tu hạnh Bồ tát, làm sự hi hữu mà tạo thành cõi Tịnh độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây Bồ đề mà thành quả Chánh giác, phóng hào quang soi các Thế giới cho các đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của tôi.
   8.  Tôi nguyện khi thành Phật rồi, những loài chúng sanh ở các Thế giới đã phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, muốn sanh về cõi tôi, thì đến khi mạng chung, tôi và đệ tử tôi đều hiện thân đến trước mặt người ấy đặng tiếp dẫn.
   9.  Tôi nguyện khi tôi nhập diệt, trải vô số kiếp về sau những người  nữ nhân ở trong các thế giới nghe danh hiệu tôi mà chăm lòng vui mến và phát Bồ đề tâm, cho đến lúc thành Phật cứ cảm báo đặng làm thân đàn ông hoài, chớ không khi nào còn mang lấy thân đàn bà nữa.
   10.  Bạch Đức Thế Tôn !  Tôi nguyên đặng cõi Phật như vậy, chúng sanh như vậy, mọi sự thanh tịnh trang nghiêm như vậy, thì tôi mới chịu thành Phật.
   Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy rồi khen rằng:  “Hay thay! Hay thay! Đai vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh. Kia Đại Vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đương vì các bực Bồ tát mà giảng dạy pháp Đại thừa, giáo hóa các người thượng căn, chớ không điển thuyết các pháp quyền tiểu”.
   Trong cõi ấy cũng không có chúng sanh căn trí Thiểu thừa và cũng không có một ngưòi nữ nhân.  Nhưng y báo và chánh báo của Phật Tôn Âm Vương Như Lai thật thanh tịnh trang nghiêm, rất xứng hiệp với chỗ cầu nguyện của Đại vương đó! Vì Đại vương có thệ nguyện muôn cõi thanh tịnh, nên nay ta đổi hiệu Đại vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.
   Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì Đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập Niết bàn, chánh pháp truyền bá đặng mười trung kiếp. Đến khi diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn Thiện Vô Cấu đổi tên lại là: Di Lâu Quang Minh có đức Phật, hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng sanh.  Sau khi đức Phật ấy nhập Niết Bàn rồi, trải vô số hằng sa kiếp và vô lượng Phật diệt độ, thì cõi Di lâu Quang Minh đỗi tên lại là: An Lạc. Đến thời kỳ Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật thì hiệu là:  A Di Đà Như Lai sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sanh trong các thế giới về đó, rồi giáo hóa cho thành Phật đạo tất cả.
   Vua Vô Tránh Niệm thưa rồi, đương cúi đầu thi lễ, tức thì mười phương thế giới thảy đều vang động.
   Vua ở trong pháp hội nghe Chư Phật đều thọ ký cũng như lời Đức Phật Bảo Tạng đã nói trên đó, thì rất đỗi vui mừng, liền chấp tay đảnh lễ, rồi ngồi nghe Phật Bảo Tạng thọ ký cho các vị Bồ Tát khác.
   Từ đó về sau, vua Vô Tránh Niệm mạng chung thọ sanh ra các đời khác, kiếp nào cũng giữ lời bổn nguyện, tu hành Bồ tát cứu độ chúng sanh, trải vô lượng kiếp quả mãn công viên hiện thành chánh giác, đến nay đã mười đại kiếp rồi, ngài ở cõi Cực Lạc Thế Giới bên Tây phương, đương giảng dạy các pháp Đại thừa và hằng tiếp dẫn chúng sanh đem về cõi ấy.

II. Bồ Tát Sa Di :

Trích thuật theo kinh “Pháp Hoa” phẩm “Hóa Thành Dụ” thứ 7     Ðức Ðại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi Quốc Vương, có 16 người con trai. Lúc Quốc Vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16 vị Vương Tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa Di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa Di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí huệ.
    Sau khi giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đại chúng trong pháp hội, đức Ðại Thông Trí Thắng Phật liền nhập tịnh thất trụ trong đại định.
    Thời gian đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ Tát Sa Di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Mỗi vị Bồ Tát Sa Di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na do tha hằng hà sa người.
    Mười sáu vị Sa Di đó hiện nay đều đã thành Phật ca, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa Di thứ 16 thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành Phật ở Cực Lạc thế giới, tức là đức Từ Phụ A Di Ðà Phật.

III. Thái Tử Thắng Công Ðức :

Trích thuật theo kinh “Nhứt Hướng Xuất Sanh Bồ Tát”          Về thuở quá khứ có ông Thái Tử tên là Bất Tư Nghì Thắng Công Ðức. Năm 16 tuổi, Thái Tử được nghe kinh “Pháp Bổn Ðà La Ni” nơi đức Phật Bảo Công Ðức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai.
    Nghe kinh xong Thái Tử tinh tấn tu tập trong bảy muôn năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm, không dựa. Nhờ sức dõng mãnh ấy, nên lần lần Thái Tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn đức Phật. Bao nhiêu kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái Tử đều có thể thọ trì tu tập cả. Về sau Thái Tử xuất gia làm Sa-môn, lại tu tập “Pháp Bổn Ðà La Ni” chín muôn năm và giảng truyền chánh pháp cho mọi người.
    Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa, trong một đời hoằng pháp Thái Tử độ được tám mươi ức na do tha người phát Bồ Ðề tâm, trụ bực bất thối chuyển.
    Thái Tử Thắng Công Ðức là tiền thân của Ðức Từ Phụ A Di Ðà Phật.

IV. Pháp Tạng Bồ Tát:Trích thuật theo kinh “Phật thuyết Vô Lượng Thọ” cũng gọi là “Ðại Bổn A Di Ðà Kinh”.
Một hôm nhơn thấy dung nhan của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tươi tắn sáng rỡ khác hẳn ngày thường, Tôn Giả A Nan bèn ra lễ Phật rồi bạch hỏi duyên cớ.
    Ðức Bổn Sư tán thán lời bạch hỏi đây, công đức lớn hơn công đức cúng dường vô lượng vị Thanh Văn cùng Duyên Giác, mà cũng lớn hơn công đức bố thí cho vô lượng hàng chư Thiên, nhơn dân cầm súc trong nhiều kiếp. Vì chư Thiên, nhơn dân nhẫn đến các loài cầm súc đều nhờ lời bạch hỏi này mà được đạo pháp giải thoát.
    Rồi đức Bổn Sư cho biết rằng, hôm nay ngài đang nghĩ đến bổn sự, bổn nguyện và bổn hạnh của Ðấng giáo chủ Cực Lạc thế giới, đức Phật A Di Ðà.
    Ðức Bổn Sư phán tiếp:
– Vô lượng vô số kiếp về trước, nhằm lúc đức Thế Tự Tại Vương Như Lai xuất thế giáo hóa chúng sanh, có một Quốc Vương nghe đức Phật thuyết phán lòng rất vui thích, liền phát Bồ Ðề tâm, từ bỏ ngai vàng xuất gia làm Sa Môn hiệu là Pháp Tạng.
    Sa Môn Pháp Tạng đến đảnh lễ Phật Thế Tự Tại vương, và sau khi thuyết tụng ca ngợi đức Phật, người cần cầu đức Phật truyền dạy công hạnh trang nghiêm Tịnh Ðộ nhiếp thủ chúng sanh, để người y theo tu hành.
    Rõ biết Sa Môn là bực cao minh, chí nguyện sâu rộng, đức Phật Thế Tự Tại Vương vì Sa Môn Pháp Tạng mà giảng nói y báo đồng thời lại hiện tất cả ra cho thấy.
    Khi nghe và được thấy y báo chánh báo trang nghiêm của các quốc độ xong, Sa Môn Pháp Tạng phát khởi tâm nguyện thù thắng vô thượng. Rồi trong thời gian năm kiếp, người suy gẫm chọn lấy công hạnh trang nghiêm thanh tịnh Phật độ (Bổn Sư nói với A Nan: “Thời kỳ ấy, đức Phật thọ 10 kiếp”).
    Khi tu tập xong, Sa Môn Pháp Tạng đến đảnh lễ đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, và cầu đức Phật chứng giám cho người thuật 48 điều đại nguyện mà người đã lập thệ quyết thực hiện để tiếp độ tất cả chúng sanh.
    Lúc Pháp Tạng Bồ Tát đối đức Phật Thế Tự Tại Vương thuật 48 điều đại nguyện xong, thời khắp cõi đất đều rung động, hoa báu mưa xuống trên mình người, và giữa hư không tự nhiên tiếng nhạc vang lừng: “Quyết chắc sẽ thành Phật!”.
Sau đó trải qua vô lượng vô số kiếp, Pháp Tạng Bồ Tát tu hành thực hiện hoàn toàn các điều nguyện trên, và người đã thành Phật đến nay được mười kiếp hiệu là A Di Ðà, hiện đang ngự thuyết pháp tại Cực Lạc thế giới, cách đây mười muôn ức cõi về hướng Tây.


Tài liệu lấy từ sách Đường Về Cực Lạc của HT Thích Trí Tịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *