Kính bạch quý Thầy! Con là người Phật tử hiểu đạo nhưng không thể nào chuyển hóa được thân nhân của mình tin và hành theo vào Phật pháp. Vì họ còn quá nhiều chấp trước. Con kính mong quý thầy chia sẻ làm sao có thể giúp họ tin và trở về với chánh pháp.
Phạm Quang Mỹ, Pháp danh: Thiện Hương.
Phong Mỹ, Cao Lãnh, Đồng Tháp.Email: [email protected] Phật tử Thiện Hương thân mến !
Trước tiên chúng tôi rất tán thán tinh thần lợi tha của Phật tử, bản thân thấm nhuần Phật Pháp, lại mong muốn người thân hiểu và hành trì Phật pháp hầu có được đời sống an lạc như chính mình là một hạnh nguyện cao cả.
Tuy nhiên, có thể nói ước mơ cảm hóa người thân quay đầu quy y Phật pháp là một vấn đề chung mà chúng ta thường xuyên gặp trong giới Phật tử. Thường thì đối với những người sau khi thấm nhuần Phật Pháp, cảm nhận những giá trị đạo đức và sự an lạc Phật pháp mang lại cho mình thì ước muốn này trở nên mạnh mẽ hơn, đôi khi trở lại thành một chướng ngại. Song, đây là công việc thật khó khăn không mấy dễ dàng để đưa đến thành công, nhất là đối với những người chưa từng có căn lành với Phật Pháp.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, kinh Hạnh Phúc Cho Ai, Đức Phật có dạy:
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Ty-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh, và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định, và khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến.
Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người.
Như vậy, yếu tố quan trọng nhất để giúp đỡ người thân theo học Phật pháp, không gì hơn là mỗi chúng ta phải thể hiện và thực hành Phật pháp thông qua phương diện bản thân, hay còn gọi là thân giáo. Muốn người tu tập theo Phật Pháp trong khi chúng ta chưa từng sống và thực hành theo lời Phật dạy, đây chỉ là ảo tưởng, như ước muốn nấu cát mà thành cơm. Trong năm phương pháp cảm hóa người thân nêu trên có lẽ đầy đủ giới hạnh là bước đầu quan trọng. Giới hạnh là nền tảng căn bản để đánh giá một con người có đạo đức. Trong đó đạo đức căn bản của người Phật tử tại gia được thể hiện thông qua năm giới Phật dạy.
Trong trường hợp Phật tử đã thể hiện thân giáo, hoặc đã khuyến khích và khuyên răn người thân học Phật mà vẫn không thấy hiệu quả. Phật tử phải kiên nhẫn hành động thực tế bằng cách thỉnh một vài băng, đĩa Phật pháp hay, mang tính chất ứng dụng trong đời sống thực tế để tặng cho người thân. Ban đầu có thể sẽ một số người phản ứng rằng họ không cần, vì tu là tu ở tâm họ, hay tâm họ là Phật… vì thế họ không cần gì phải đi chùa hay nghe Phật pháp. Nhưng trong một hoàn cảnh khó khăn hay khổ đau nào đó, hoặc khi hội đủ nhân duyên họ có thể xem, từ đó thích nghe và đam mê học tập.
Một yếu tố quan trọng không kém, Phật tử nên hiểu rằng không phải ai cũng có thể thành công trong việc độ người thân Quy y Phật pháp. Bởi theo quan điểm Phật giáo, những người trong tâm thức của họ không có gieo trồng hạt giống của Phật pháp trong nhiều đời thì e rằng việc mong muốn đưa họ về với Phật không phải là việc một sớm một chiều, đôi khi có thể chỉ là một công việc “dã tràng xe cát”.
Điểm quan trọng hơn, Đạo Phật luôn tôn trọng niềm tin của mỗi người. Bởi mỗi cá nhân đều có một nghiệp lực nhân quả khác nhau. Trong kinh Tăng Chi Bộ, kinh Kalama, đức Phật đã từng khẳng định:
“Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì nghe theo người ta nói ; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng ; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình ; chớ có tin vì đúng theo một lập trường ; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện ; chớ có tin vì phù hợp với định kiến ; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau : “Các pháp này là thiện – Các pháp này là không có tội ; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích ; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này Kàlàmà, hãy từ đạt đến và an trú”.
Có thể nói rằng để hóa độ người thân tin theo Phật pháp, phải chờ thời gian và tự bản thân mỗi người cảm nhận, thực hành theo lời Phật dạy. Một khi chính họ tìm thầy niềm an lạc trong tự thân thông qua phương diện hành trì mới có giá trị lớn.
Mặt khác, Phật tử đã dốc hết tâm lực để chuyển hóa người thân rồi mà không có hiệu quả thì Phật tử cũng không nên phiền não, mà hãy mỉm cười bởi mình đã làm hết khả năng của chính mình. Còn việc họ có được cơ may, diễm phúc hiểu được Phật pháp và hồi đầu hay không là tùy vào nghiệp lực. Trong ba điều Phật không thể thực hiện mà theo ngôn ngữ Phật học gọi là Tam bất năng: 1.Không thể cải biến định nghiệp (bất năng miễn định nghiệp), 2. Không thể độ kẻ vô duyên (bất năng độ vô duyên), 3. Không thể hóa độ hết thảy chúng sinh (bất năng tận sinh giới). Như vậy, đức Phật đã khẳng định ngài có thể cứu độ tất cả chúng sinh ở thế gian, nhưng thế giới của chúng sinh thì vô tận. Ngoài ra, Phật cũng không thể hóa độ cho hết thảy chúng sinh, nhất là những người không có nhân duyên với Ngài. Như vậy, có thể nói rằng người thân của Phật tử biết đâu là người không có duyên lành, hay chưa hề gieo duyên với Phật pháp, như vậy việc Phật tử mong muốn cho họ hồi đầu có đúng chăng với quy luật nhân quả Phật giáo. Cho nên, cổ nhân đã từng nói: “Vị thành Phật, tiên kết nhân duyên“, nghĩa là khi chưa thành Phật, trước hết, phải kết duyên lành với mọi người là ý này vậy.