Gió cao nguyên thổi vi vu và dòng suối uốn quanh chảy róc rách trước sự tịch tĩnh của núi rừng. Liên và tôi, sau giờ công phu sáng yên lặng ngồi bên nhau trong căn lều rơm hình bát giác ở lưng chừng đồi, cạnh con đường mòn dẫn lên rừng thông trên đỉnh. Mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ riêng… Bên kia trời là khoảng không gian thênh thang, bát ngát. Những dãy núi đồi chập chùng bao cả nửa chân trời được phủ trên đầu một thảm lụa trắng chạy dài với những áng mây bồng bềnh. Cả đỉnh đồi mờ trong khói sương khi bình minh chưa ló dạng. Đôi bạn quen nhau từ dạo tham gia khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp. Liên chỉ khoảng độ hơn 20 tuổi, vừa học xong đại học. Cô có làn da trắng muốt nổi bật trên khuôn mặt thông minh, thanh tú. Tôi đùa gọi cô bé là cò con, vì khi dự khóa tu mỗi ngày cô tắm đến năm lần! Lần đầu gặp tôi Liên hỏi:

– Sao chị đến đây vậy?

Tôi đáp:

– Thích nghe các thầy giảng pháp và tập tìm cái tịnh trong cái động nơi đông người. Còn em, sao còn nhỏ mà thích đi tu hay vậy?

Liên nói gọn trong chua xót:

– Đau khổ vì tình, đến đây để lắng lòng thanh tịnh.

Câu nói khiến tôi nhìn Liên kỹ hơn. Cô bé khá đẹp, có phong thái của một tiểu thư đài các. Sau này, Liên tâm sự, trái tim cô tan nát vì yêu lầm một anh chàng có thói trăng hoa, ong bướm. Cô tự tử nhưng may mắn được cứu sống. Và mặc cho bao lời khuyên nhủ của mọi người, nào là chữ hiếu với cha mẹ, nào là sự không xứng đáng của đối tượng yêu, nào là tội lỗi khi tự giết mình sẽ không được siêu thoát… Liên vẫn không dứt khoát nổi mối tình. Dù chết đi sống lại, cô vẫn đau khổ không thôi!

Nghe xong, tôi không nói nên lời, lặng lẽ vuốt tóc Liên và tự hỏi: “Làm sao giúp được mạng sống cô bé này?”. Tôi thấy Liên là một cô gái chân thật, không điêu ngoa trong lời nói và rất biết giữ chữ tín. Đó là điểm khó tìm ở những người trẻ mà tôi đã từng gặp.

Liên co duỗi tứ chi, đứng dậy đi quanh làm tôi trở về thực tại. Cô lên tiếng:

– Phong cảnh ở đây đẹp quá chị nhỉ? Chị đưa em lên đây chơi thật thích! Có lần buồn em định đi tu nhưng khi dự Phật thất mới biết, tu đâu phải dễ! Ba giờ rưỡi sáng đã dậy, không được ăn và nằm phi thời, mọi giờ giấc đều phải theo thời khóa. Có trải qua mới biết thương người tu chị ạ! Chỉ riêng việc cạo tóc, mặc áo người tu đã khó với mình rồi. Vậy mà mấy thầy ở chùa Hoằng Pháp, trẻ tuổi, đẹp trai, đi tu hay thiệt!

– Tôi nói:

– Đúng vậy em ạ, cho nên lúc nào mình cũng phải ủng hộ sự phát Bồ-đề tâm của người tu bằng mọi hình thức. Ngoài việc sống khổ hạnh, kỷ luật, giờ giấc, học kinh chú và Phật pháp, từ “xuất gia” khác “xuất giá” ở chỗ phải luôn theo khuôn khổ của giới luật nhà Phật. Câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” là ý nói này. Nghe các thầy nói, nếu không giữ giới luật tức là làm thân Phật chảy máu đó em ạ. Quý thầy đều có ý chí kiên cường trên con đường tìm cầu giải thoát, chứ đâu phải cứ buồn, chán đời là đi tu được!

– Dựa tay lên lan can lều, gương mặt Liên buồn xa xăm nói:

– Từ ngày dự Phật thất, em thấy Phật pháp rất hay nhưng chưa hiểu thông suốt. Chị giúp em được không?

– Tôi đáp:

– Em nên hỏi các thầy thì tốt hơn, vì sự hiểu biết của chị có giới hạn. Tuy nhiên, chị cũng rất sẵn lòng chia sẻ những điều chị biết.

Liên nói:

– Phật dạy vạn vật “giả có”, em lại thấy cứ thật không à, mình phải làm sao?

– Tôi cười:

– Không phải riêng em, nếu gọt rửa dễ dàng, ai cũng thành Phật hết rồi, đâu có luân hồi mãi. Em nên tập quán xét thường xuyên về bóng trăng trong thau nước. Sở dĩ có bóng trăng, do vì nhân duyên có nước mà có, một khi nước đổ đi rồi, tức lấy nhân duyên đi, bóng trăng mất ngay, đấy là “giả có”. Vạn pháp trên thế gian này cũng như bóng trăng vậy. Thân ta sở dĩ có là do nhiều nhân duyên hợp lại, duyên đất và nước qua ăn uống, duyên không khí giúp hơi thở (gió), duyên mặt trời giúp ấm áp (lửa). Nếu đứt mạch máu tim hay não, hoặc bị siết cổ không còn không khí để thở .v.v… (tức một trong những nhân duyên bị cắt đứt) lập tức sự “có thân” đó sẽ trở về “không” (nghĩa là chết) thì tất cả cái vay mượn lại trả về cho nguồn vay mượn (đất, nước, gió, lửa). Điều đó cho thấy rõ thân là “giả có” mà thôi. Điều này giống như bóng trăng đã bị lấy mất nhân duyên nước đi rồi thì bóng trăng mất. Nếu thân có thật tánh riêng, không là của mượn qua các nhân duyên khác, thì thân sống đời đời, cố định không chết. Từ đó ta thấy, ngay chính bản thân mình còn không giữ được, huống chi những điều phụ thuộc nơi thân như: danh lợi, tiền bạc, nhà cửa, quyền lực, tình yêu .v.v… Tất cả đều do nhân duyên mà có, nên cũng đều là bóng, trôi theo mây khói…

– Điển hình như thảm họa ở Nhật Bản, trước đó một phút thôi, vạn pháp cái gì cũng thấy “có” rõ ràng. Nhưng sau đó chỉ hai phút, do nhân duyên sóng thần đến, cắt đứt tất cả mọi nhân duyên khác, nên không còn gì cả! Nếu người hiểu đạo thực sự, luôn sống huân tập trong cái thấy đúng như pháp, không chấp chặt mọi thứ trên đời này là “thật có”, nên duyên hết, họ không đau khổ. Nếu em thường xuyên quán điều này đối với tình yêu, thì một khi không còn đủ nhân duyên nữa, em sẽ không phải tuyệt vọng, đau khổ mà hủy hoại mạng sống.

– Nghe xong ánh mắt Liên tươi sáng hơn và lại thắc mắc tiếp:

– Tại sao người ta nói chùa là cửa “không” vậy chị?

– Tôi đáp:

– Bởi vì cốt tủy của đạo Phật nói về “tánh không” của vạn vật. Chữ “không” trong đạo Phật có nhiều nghĩa, chị tạm nói ba nghĩa chính:

Thứ nhất là nghĩa bình thường “không” đối với “”: Vì phàm phu thường chấp cái gì cũng thật có, nên Phật dạy pháp tương đối nhân quả cho người có căn cơ thấp , để họ còn được hưởng phước báu của hàng trời – người, tránh điều tội lỗi, không lọt vào vào ba cõi ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Thứ nhì là “tánh không”: Vạn pháp không có tự thể riêng biệt hay cố định. Đây là pháp tuyệt đối cho người có căn cơ cao để đạt giải thoát sinh tử.

Thứ ba là “không tịch linh tri”: Tâm chứng của người đạt đạo, tùy trí sai biệt (linh tri) còn vướng mắc từng loại lậu hoặc sâu hay cạn, chia ra các cấp bậc giải thoát, từ A-la-hán trở đi, đến Bồ-tát và Phật quả.

Nghe đến đây cô bé vẫn chưa chịu tha, vẻ mặt đăm chiêu hỏi tiếp:

– Em cám ơn chị, chị nói đến đâu, em có thể hiểu được đến đó. Nhưng “tánh không” là tu ra sao mà được giải thoát vậy chị?

– Bị hỏi những câu không đơn giản chút nào, nhưng nhớ lại con bé đang đau khổ, cần Phật pháp, nên tôi cũng nhiệt tình trả lời tiếp:

– Câu này thật không dễ cho cả kẻ đáp và người nghe. Hai chữ “tánh không” này các tôn giáo khác chưa bao giờ nói đến nhưng lại là cốt tủy của Phật giáo. “Tánh không” tức vạn pháp không có tự thể, hay nói cách khác là vạn pháp không có gì là chính nó cả. Vạn pháp sở dĩ hiện hữu “có” cũng đều phải nhờ qua khâu “nhân duyên” phối hợp. Bởi vì chính nó chẳng phải “có” nhưng do sự phối hợp tạo, nên chỉ có thể hiện ra “tạm là có” mà thôi. Như sự giải thích “tạm có” thân ở câu hỏi đầu, vạn pháp sở dĩ hiện hữu “không”, cũng đều phải nhờ qua khâu “nhân duyên” phối hợp. Bởi chính nó chẳng phải “không”, do sự phối hợp tạo, nên chỉ có thể hiện ra “tạm là không” mà thôi. Vậy nên, cả hai “cái có” và “cái không” đều là huyễn ảo của sự chuyển hóa. Vì không có thật tánh cố định như vậy, cho nên nói vạn pháp là “vô ngã” (không có cái tôi, hay không là chính nó).

– Trong Tâm kinh dạy “sắc chẳng khác không”: Trong cái “có”, vì không có tự tánh, nằm sẵn cái “không” ở bên trong. Thí dụ hoa kết hợp bởi những thứ không là hoa, nên chuyển hóa thành rác. “Không chẳng khác sắc”: Trong cái “không”, vì không có tự tánh, nằm sẵn cái “có” ở bên trong. Thí dụ đá không có tính lửa, nhưng vì nhân duyên của sự va chạm, từ cái không đã sinh ra lửa (sắc). Thế nên, trong chân không có sẵn diệu hữu bên trong, và trong diệu hữu lại có sẵn chân không bên trong.

– Để Liên hiểu rõ, tôi bước ra lều, với tay hái một trái xoài trồng bên cạnh suối, đưa cho Liên và nói tiếp:

– Đây là trái xoài, vì hạt xoài không có tự tánh cố định, nên nhờ nhân duyên “đất, nước, gió, lửa”, hạt xoài nẩy mầm thành thân cây xoài, và vì thân cây không có tự tánh cố định, nên nhờ nhân duyên mà cho ra hoa, rồi chuyển hóa tiếp cho ra trái. Nếu không, hạt xoài vĩnh viễn cố định chỉ là hạt xoài mà thôi. Chính nhờ “tánh không” đã sinh ra vạn pháp. Cũng như vô minh, không chính là vô minh, không thật có, nên phàm phu có thể tu tiến thành Thánh nhân. Nếu không, vô minh lại vĩnh viễn là vô minh. Mọi thứ khác (vạn pháp) có lý luận cũng giống như thế. Bởi thế, trong kinh Kim Cang nói: “Cái gọi là chúng sinh không phải là chúng sinh, nên tạm gọi là chúng sinh”. Người chứng đạo thấy rõ và sống được với các pháp thế gian trong sự huyễn ảo hóa, chẳng phải “có”, mà cũng chẳng dính mắc vào “không”, trong tâm họ không chấp vào cả hai bên đối đãi “có – không”. Tâm họ không bận tâm khởi ra những sự phân tích so đo của ý thức phân biệt, họ sống trong sự “rỗng lặng như như”, đó là trí huệ Bát-nhã, là giải thoát.

Vừa nói đến đây Liên buột miệng:

– Thế thì cái đau khổ, bản chất không thật sự có, do vì “tai nạn” của tư tưởng đóng khung mình trong đó, cho rằng mình đau khổ, nên mới có đau khổ.

– Tôi vỗ tay cười lớn:

– Ô hay, chính xác là như vậy. Em thật thông minh, nhạy bén lắm, nói một thấu suốt hai.

– Liên nói:

– Em cám ơn chị rất nhiều! Từ nay em sẽ mở mắt, cố gắng dùng trí tuệ Phật pháp phá vô minh của mình. Em sẽ đến chùa học hỏi Phật pháp và làm Phật sự, dùng đời sống của mình làm lợi ích cho tha nhân. Em sẽ có cuộc sống đổi thay chị ạ!

– Tôi đáp:

– Em hiểu được như vậy là quá tốt! Chị rất mừng cho em. Nhưng vì hoàn cảnh cha mẹ em có địa vị quá cao trong xã hội, khi em đến chùa làm Phật sự, chị sợ em vấp phải một điều… Cho nên, nếu mình có bất cứ điều gì hơn người, chẳng hạn như: tài giỏi, giàu có, xinh đẹp, bằng cấp, quyền lực, địa vị… thì tất cả những thứ đó mình nên bỏ ngoài cổng chùa. Vì sự tự mãn về trí thế gian hơn người càng cao, mình càng u mê với trí huệ Bát-nhã và càng đi ngược chiều Phật đạo, đó chính là ma vậy.

Liên nói:

– Ý chị nói về chữ “danh” trong ngũ dục thế gian “tài, sắc, danh, thực, thùy” phải không?

– Tôi cười:

– Đúng rồi, con người thường bị vướng nhất là chữ “danh”. Như kỳ rồi quý thầy giảng về ngài Ngộ Đạt quốc sư, chỉ vì hãnh diện rất vi tế khởi trong tâm về chiếc ghế trầm hương của vua ban, mà ngài bị mất phước của long thần hộ pháp, không còn được hộ độ. Vì thế, nỗi oán hận của Triệu Thố đã theo ngài sát mười đời nhưng không hại được nên nhân cơ hội ấy đột nhập vào thân ngài thành ghẻ mặt người báo thù. May nhờ gặp vị A-la-hán mới gỡ được mối oan khiên. Em thấy đó, ngay cả bậc mười đời làm hòa thượng, đức độ và đạo hạnh sâu dày, nhưng chỉ vì sơ hở khởi chút “danh” trong tâm mà bao nhiêu phước đức tu hành cũng theo đó mà mất hết.

– Vua Lương Võ Đế cũng thế, vua chỉ mong Tổ Đạt-ma khen một tiếng rằng “cất chùa, độ tăng hằng vạn phước đức thật vĩ đại!”, nhưng để giúp vua chuyển tâm danh, Tổ lại phán “Chẳng phước đức gì cả!”. Chính vì không được thỏa mãn cái tôi, nên vua không trọng dụng Tổ. Cuối cùng vua không nhận ra lời dạy của Thánh nhân, mất cơ hội chuyển hóa. Tất cả cũng vì vua kẹt vào “danh” của cái tôi nên phước báu của vua làm chỉ gói gọn trong chừng ấy mà thôi. Nếu vua hiểu được “tánh không” và “tướng không” của kinh Kim Cang “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thì những “tướng có” nơi bao ngôi chùa vua xây đã không bị dính mắc trong tâm của vua. Bấy giờ phước của vua sẽ vô lượng trùm khắp hư không, bởi vua thực hiện được hai chữ “vô trụ” trong kinh: “Dù đem cả bảy báu trong tam thiên đại thiên thế giới cúng dường, không bằng trì bốn câu kệ trong kinh”. Bốn câu kệ dạy không chấp vào tướng của sự việc mình làm, đó là ý Tổ Đạt-ma muốn dạy vua Lương.

– Vì thế, người phàm phu như mình thường bị chữ “danh” làm đẩy lạc hướng của tâm ban đầu. Thấy gương người xưa, khi đến chùa, đừng vì háo danh vặt, làm những điều tự mãn, vị kỷ, chẳng được phước đức gì, đôi khi chỉ gây thêm nghiệp đọa lạc đó em ạ!

– Liên vui vẻ đáp:

– Vâng em sẽ cẩn thận nhớ kỹ lời chị nói. Đã lâu lắm rồi, hôm nay là ngày vui nhất của em. Em thương chị quá đi! Chị như người chị và cũng như người mẹ của em. Tấm lòng chị lo lắng cho em, giúp em nguôi ngoai khổ đau, để em sửa sai những lầm lạc của mình, không vì tình yêu mà rồ dại hủy hoại thân mình. Em đã nhận ra cuộc đời đáng sống biết bao, còn quá nhiều thi vị với pháp Phật vi diệu! Kìa chị ơi, có tiếng kẻng báo giờ ăn sáng. Thôi chị em mình đi ăn nhé, kẻo mọi người đợi. Mình sẽ tiếp tục bàn luận Phật pháp nữa nha chị!

– Đôi bạn cùng nhau xuống dốc đồi, vầng dương đã lên cao tự bao giờ và chim đã ra khỏi tổ, hót líu lo. Từng chữ một A-di-đà Phật vang lên trong tâm thức bằng sự tỉnh sáng với “tánh thấy”, “tánh nghe”, “tánh biết”. Mỗi câu Phật hiệu âm thầm, đĩnh đạc, chắc nịch từng tiếng trong rỗng lặng chánh niệm. Mọi ý niệm đã lùi xa vì quá ư hư dối nên không còn chỗ đứng. Mầu nhiệm thay từng bước đi! Cả một chân trời hạnh phúc đang hiện ra trong thanh tịnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *