Thưa thầy con thi rớt đại học, con rất đau khổ, và cảm thấy có lỗi lớn với gia đình cùng bạn bè, thầy cô giáo. Trong những ngày qua con sống trong nỗi tuyệt vọng, nhất là mỗi khi chứng kiến cảnh những bạn học chung lớp thi đậu đại học, gia đình các bạn ăn mừng, chuẩn bị hành trang để nhập học. Con cảm thấy mình đã cô phụ công ơn của cha mẹ, tình cảm những người thân. Con biết mình đã cố gắng làm bài hết mình, nhưng thi vẫn thi trợt. Đôi khi quá tuyệt vọng, con đã nghĩ đến tìm cách tự vẫn để có thể giải quyết nỗi đau của mình. Xin quý thầy hãy cho một lời khuyên để cứu lấy mạng sống của con.

Phan Thị Ngọc Sang, Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Cần Thơ. 

Em Ngọc Sang thân mến !
Quý thầy chùa Hoằng Pháp rất vui khi được em đặt niềm tin tưởng, xem quý thầy như người thân để chia sẻ những cảm xúc của chính mình. Nhất là em đã mạnh dạn nói những suy nghĩ vốn thơ ngây, trước những khó khăn thử thách đầu đời, cụ thể là việc em không thành công trong kỳ thi đại học vừa qua.

Trong những sự thật khổ đau của kiếp người đức Phật dạy, có một thứ khổ mà ai trong chúng ta cũng ít nhiều từng gặp đó là “Cầu bất đắc khổ”. Tức là những ước mơ, những thứ chúng ta mong muốn trở thành hiện thực, hoặc muốn sở hữu mà không thành tựu như ý đều làm cho chúng ta đau khổ. Có thể em cũng như thế, em đang vướng vào nỗi khổ đau này. Một khổ đau với ước mơ được thi đậu vào đại học, nơi mà bao nhiêu người trẻ bước vào đời đều muốn hoàn thành nó. Nếu em đang buồn tại sao không khóc? Hãy cứ buồn, hãy cứ khóc, khóc để trút hết nỗi thất vọng, sau đó thì hãy đứng lên, quên nó và tiếp tục bước đi, chứ không nên bi lụy vì nó mãi. Em biết không, theo các chuyên gia tâm lý, một học sinh thi rớt đại học thường có nhiều đau khổ, tuyệt vọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Trước hết là sự cầu toàn của bản thân. Các em thường tự xây dựng cho mình một hình ảnh tốt đẹp, luôn bắt buộc mình phải thành công, học giỏi và suất sắc trong mọi trường hợp, mọi tình huống. Với ước mơ sẽ có nhiều người khen ngợi, tôn vinh, ca tụng bản thân mình. Điều này dẫn đến trường hợp, một khi gặp thất bại, các em có cảm giác sụp đổ hoàn toàn, tương lai của bản thân đã chấm hết. Về phía gia đình, những người thân. Nhiều gia đình có bố mẹ, thậm chí thầy cô giáo luôn đặt ra những yêu cầu và chỉ tiêu cho con cái, cho học sinh của mình phải học giỏi. Nếu tham dự bất kỳ cuộc thi nào cũng bắt buộc con em họ phải đậu cao, điểm lớn. Một khi các em không hoàn thành những yêu cầu đó, các em sẽ phải gánh chịu nhiều áp lực nặng nề. Nhiều em cảm thấy nhục nhã và có lỗi với những người từng kỳ vọng vào chính mình, nhất là cha mẹ và thầy cô giáo. Bên cạnh đó, cách giáo dục học sinh phổ thông hiện nay quá thiên về kiến thức mà thiếu quên giáo dục cho các em về kỹ năng sống. Học sinh đến trường chỉ có một mối quan tâm duy nhất là học và học, điểm càng cao càng tốt. Ngược lại, nhiều em rất mù mờ trong nghệ thuật ứng xử xã hội. Vì thế, khi thất bại nhiều em học sinh đã  không biết giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, để vượt qua và đi tiếp. Về phía xã hội, có thể nói hơn bao giờ hết ngày nay học sinh phải chịu áp lực từ xã hội quá lớn, nhất là áp lực thi cử. Bằng mọi cách học sinh muốn xin việc phải có bằng tốt nghiệp đại học. Điều này thể hiện cụ thể qua thể chế và thiết chế mà xã hội đã quy định. Theo con số thống kê, mỗi năm con số thí sinh dự thi và đậu chính thức tại các trường Đại học chỉ chiếm một con số nhỏ nhoi có thể chưa đến 20%. Vậy hơn 80% còn lại, các em đó sẽ đi về đâu? Phải chăng cuộc đời các em sẽ kết thúc khi cánh cửa Đại học đã khép lại? Phải chăng những em thi trượt sẽ mãi mãi chìm trong đau khổ tuyệt vọng, và bị người khác khin chê mình? Thế còn những người chưa được một ngày may mắn cắp sách đến trường, nói gì đến việc thi rớt đại học. Tất cả họ sẽ ra sao?  Xin thưa với em rằng, hoàn toàn không phải như vậy. Em nên biết và hiểu rằng, đại học cũng chỉ là một trong hàng trăm con đường dẫn chúng ta đến thành công. Hơn nữa, người xưa cũng từng nói “Thua keo này ta bày keo khác”, hay “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Ngoài ra trong mười điều tâm niệm của nhà Phật, đức Phật cũng có dạy: “Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường” hoặc “ Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thường kiêu ngạo”. Cho nên, việc thi rớt đại học đâu phải là đánh mất tất cả cơ hội cho tương lai. Có thể nói rằng, vẫn còn rất nhiều cơ hội mở ra phía trước. Đó là là các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, những hệ đào tạo khác được mở ra ở hầu hết các trường đại học như: hệ từ xa, tại chức, chuyên tu, hàm thụ… Nếu em có ý chí, quyết tâm, cộng thêm một sự lựa chọn đúng đắn và chính xác, chắc chắn em sẽ tìm ra lối đi thành công riêng cho bản thân mình. Điều quan trọng sau vấp ngã em hãy suy ngẫm lại và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Vì sao trong kỳ thi vừa qua, em chưa thành công. Do chủ quan, mắc lỗi không cẩn thận trong lúc làm bài dẫn đến những sai sót không đáng kể? Nếu thế, hãy tự mình khắc phục khuyết điểm ấy, hãy coi đó là bài học lớn, rút kinh nghiệm để không còn sai phạm nữa. Và hãy tự lượng sức mình chọn ngành học, bậc học sao cho phù hợp năng lực của bản thân, chứ đừng nên cứ nhắm mắt đưa chân vào con đường nhất định phải vào đại học, để rồi sẽ phải chấp nhận đắng cay, hay những kết quả không thành công khác nữa.  Khi thi rớt đại học, có rất nhiều bạn trẻ cứ sống trong nỗi buồn, tuyệt vọng và điều này dẫn các bạn đến những hành động tiêu cực nếu không có cha mẹ, người thân đồng hành cùng chia sẻ. Trong kinh Trung Bộ, kinh An trú tầm, số 20, đức Phật có dạy 5 phương pháp giúp một người loại trừ những tư tưởng bất thiện, trong đó ngài có đưa ra một ví dụ: “Ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác; chư Tỷ-kheo, cũng vậy, khi một Tỷ-kheo y cứ một tướng nào, tác ý một tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.

Như vậy, việc ôm giữ nỗi mặc cảm, những bi lụy và tuyệt vọng là việc không mấy lợi ích, ngược lại nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ý nghĩ về việc tự vẫn hủy hoại xác thân của em quả thật là điều dại dột. Thử nghĩ xem một khi tự tử, em có biết những người thân của mình, rồi đây cha mẹ, anh chị em mình, bạn bè và thầy cô giáo… họ sẽ ra sao. Họ sẽ đau khổ, day dứt biết bao khi thiếu vắng em giữa cuộc đời. Rớt đại học chưa phải là đánh mất tất cả. Điều quan trọng, em phải hiểu được rằng cuộc sống luôn có những điều không ngờ, vấp váp, thất bại, khó khăn là chuyện thường tình. Một học sinh giỏi, học trường chuyên vẫn có thể thi rớt nếu có sai sót trong lúc làm bài. Phải biết chấp nhận thất bại để cố gắng có những thành công khác trong tương lai. Chúc em luôn vui khỏe, tự tin và luôn thành công trong cuộc sống. * * * Kinh An Trú Tầm :http://minhhanhdp.brinkster.net/access_to_insight/TRUNGBOKINH/MUCLUC.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *